Hành trình bền bỉ của những “con ong đi tìm mật”
Hơn 26 năm bền bỉ thực hiện công việc chuyển phát, đội ngũ Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) giống như những “con ong đi tìm mật”.
Bằng sự thích ứng nhanh với thời cuộc, họ đã trở thành “mắt xích” không thể thiếu của ngành logistics tại Việt Nam - vốn được coi là huyết mạch của nền kinh tế.
“Chúng tôi xác định sứ mệnh của mình là liên tục sáng tạo cách thức cung cấp dịch vụ, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, khai thác tối đa nguồn lực để xây dựng hạ tầng logistics quốc gia - nền tảng phát triển kinh tế số quốc gia”, ông Hoàng Trung Thành, Tổng Giám đốc Viettel Post chia sẻ với Báo VietNamNet.
Nhìn lại hành trình phát triển hơn 2 thập kỷ qua, nhiều dấu ấn “đầu tiên” trên thị trường bưu chính Việt Nam đã được doanh nghiệp này khởi tạo.
Năm 2006, Viettel Post là doanh nghiệp chuyển phát Việt Nam đầu tiên nhận hàng và giao hàng tại địa chỉ khách hàng yêu cầu, giúp khách hàng chuyển từ vị thế “người sử dụng dịch vụ” sang “người được phục vụ”.
Ít lâu sau đó, Viettel Post là đơn vị chuyển phát đầu tiên của Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện dịch vụ phát hàng thu tiền hộ (COD), khách hàng có thể theo dõi toàn trình hàng hoá của mình trên hệ thống.
Năm 2008, Viettel Post trở thành doanh nghiệp chuyển phát đầu tiên của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Năm 2019, Viettel Post là doanh nghiệp đầu tiên áp dụng công nghệ Crossbelt (chia chọn theo dạng băng tải) tại Việt Nam, giúp giảm thời gian xử lý một đơn hàng trong mega hub (trung tâm kho bãi lớn) khoảng 4 tiếng đồng hồ so với trước, tỷ lệ chia sai sót giảm từ 8% xuống chỉ còn 0,1%, tương đương với những giải pháp công nghệ đầu ngành trên thế giới.
Năm 2023, Viettel Post tiếp tục là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tiên phong ứng dụng robot AGV vào vận hành, nâng mức độ tự động hóa trong khâu chia chọn hàng lên 99%.
Những dấu ấn “đầu tiên” đã trở thành “điểm cộng” giúp Viettel Post chinh phục nhiều khách hàng khó tính. Chẳng hạn Guardian - thành viên của tập đoàn đa ngành Jardine Matheson, hiện diện ở nhiều quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines…
“Tại Việt Nam, chuỗi Guardian phân phối hơn 10.000 sản phẩm của hơn 500 thương hiệu về chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, sở hữu chuỗi 105 cửa hàng bán lẻ hoạt động song song với các gian hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử lớn cùng website và app của hãng. Guardian yêu cầu vô cùng nghiêm ngặt về tiêu chuẩn kho, bảo quản, phân phối và quá trình vận chuyển từ các kho tới điểm cửa hàng hay tới tay khách hàng”, ông Thành nhớ lại.
Để đáp ứng các tiêu chuẩn cam kết, Viettel Post phải tự học hỏi và nâng tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ của mình. Trung tâm Phân phối khu vực miền Nam do Viettel Post và Guardian hợp tác triển khai được trang bị thiết bị, máy móc, băng chuyền hiện đại, thiết kế theo tiêu chuẩn cao, có đội ngũ nhân viên vững chuyên môn để đảm bảo chất lượng dịch vụ phân phối tốt nhất.
“Tất cả đơn hàng của Guardian Việt Nam phát sinh trên nền tảng thương mại điện tử đều được chuyển thông tin đến hệ thống phần mềm của Viettel Post theo thời gian thực. Chúng tôi hoàn thiện việc nhặt hàng, đóng gói, dán nhãn, chuyển phát giao hàng cho người tiêu dùng trong vòng 36 giờ”, ông Thành kể tiếp “bí quyết” chinh phục khách hàng.
Vị Tổng Giám đốc còn tự hào khoe: Trong số các đối tác mà Guardian hợp tác trên toàn cầu, Viettel Post là đơn vị "local logistics" (hậu cần bản địa) đầu tiên và duy nhất cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng thương mại điện tử cho Guardian tại Việt Nam.
Việc vượt qua hàng loạt công ty có uy tín lớn trên thị trường kho vận như Toll Global, DB Schenker, DHL Logistics, Eton…, để trở thành nhà cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng thương mại điện tử cho Guardian đã chứng minh khả năng và uy tín của doanh nghiệp bưu chính Việt.
Tiến thẳng lên công nghệ hiện đại nhất để giành lợi thế cạnh tranh
Vấn đề nan giải nhiều năm nay của ngành logistics là chi phí cao, làm đội giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Báo cáo Logistics Việt Nam 2023 cho hay, chi phí logistics tại Việt Nam ở mức 16,8 - 17% GDP, khá cao so với mức bình quân chung của thế giới (khoảng 10,6%). Còn theo Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) năm 2023 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam đứng vị trí thứ 43, giảm 4 bậc so với hạng 39 tại lần công bố LPI gần nhất vào năm 2018.
Để cải thiện nhanh chóng năng lực cạnh tranh, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam khuyến nghị, doanh nghiệp cần đẩy mạnh quá trình số hóa, góp phần gia tăng chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian và cải thiện khả năng truy xuất hàng hóa.
“Đây cũng là trăn trở của chúng tôi. Với vị thế của “người đi sau” trong ngành logistics, chúng tôi hiểu rằng chỉ có duy nhất một cách là tiến thẳng lên những công nghệ hiện đại nhất để giành lợi thế cạnh tranh về kỹ thuật khai thác, qua đó rút ngắn thời gian và giảm chi phí”, Tổng Giám đốc Hoàng Trung Thành nói.
Tuy nhiên, hành trình tiến thẳng lên công nghệ hiện đại không hề đơn giản, dễ dàng. Không ít dự án phải trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm mới đạt kết quả khả quan. Điển hình như dự án nâng tỷ lệ tự động hóa trong chia chọn.
“Thời điểm năm 2019, chúng tôi tiên phong áp dụng công nghệ Crossbelt (chia chọn theo dạng băng tải) tại Việt Nam, song công nghệ này không đáp ứng được việc chia chọn các hàng hóa đặc thù như hàng tròn, thư… trong khi loại hàng hóa này chiếm tới gần 40% tổng sản lượng đang được xử lý thông qua các trung tâm khai thác, tương ứng khoảng 120.000 bưu phẩm/ngày. Việc chia chọn thủ công dẫn tới quá tải vào khung giờ cao điểm, tỷ lệ hàng hóa chia chọn không đạt mục tiêu middle mile (chặng giữa) lên tới 15%”, ông Thành hồi tưởng.
Đầu năm 2023, một đoàn cán bộ quản lý cùng các kỹ sư công nghệ được cử đi học hỏi nhiều ngày tại các quốc gia có công nghệ logistics phát triển, tiếp xúc với các doanh nghiệp logistics lớn như Cainiao - Alibaba, Yuanda Express, Libiao…
“Sau một thời gian nghiên cứu, chúng tôi quyết định tích hợp công nghệ robot AGV vào hệ thống chia chọn hàng hóa. Công nghệ robot hiện đại này từng được nhiều đơn vị logistics lớn trên thế giới như China Post, Amazon… sử dụng để chia chọn các loại hàng hóa nhỏ, độ chính xác lên đến 99,99%”, ông Thành tiếp tục câu chuyện.
Phương án xây dựng Trung tâm Khai thác 5 với trọng tâm tích hợp cả 3 công nghệ Crossbelt, Wheel Sorter Matrix (hệ thống chia hàng tải, kiện lớn) và robot AGV để đảm bảo chia chọn tự động 100% hàng hóa nhanh chóng được phê duyệt triển khai.
“Trước đó, Bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển) của chúng tôi đã có một năm nghiên cứu và phát triển công nghệ AGV trong nước, kết hợp với các chuyến khảo sát tại nước ngoài giúp những người làm công nghệ am hiểu luồng vận hành và tính thích hợp của hệ thống. Dù vậy, trong quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn. Chúng tôi kiên trì nghiên cứu và điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù hàng hóa. Các cải tiến liên tục được thực hiện để đảm bảo rằng robot AGV có thể linh hoạt xử lý cả những hàng hóa đặc thù. Giờ đây, chúng tôi đã rút ngắn thời gian chuyển phát toàn trình từ 8 - 10 giờ, tăng 3,5 lần sản lượng, tối ưu 60% chi phí nhân sự”, Tổng Giám đốc Viettel Post cung cấp thêm thông tin.
Xác định công nghệ là giải pháp hữu hiệu tăng năng lực cạnh tranh, Viettel Post dành khoảng 2% doanh thu hàng năm đầu tư cho hoạt động R&D. So sánh với ngân sách dành cho R&D của Tập đoàn Viettel thì mức chi của Viettel Post vẫn còn ở mức hạn chế. Tuy nhiên, ngân sách R&D công nghệ của doanh nghiệp bưu chính đã và đang tăng dần với tỷ lệ tăng khoảng 30%/năm, tạo đà bứt tốc cho một doanh nghiệp công nghệ logistics.
Đến nay, hoạt động chuyển phát của Viettel Post đã được mobile hóa 100%. Hệ thống chia chọn bưu phẩm tự động được trang bị tại các trung tâm khai thác trên cả 3 miền Bắc – Trung - Nam. Hệ thống giám sát tập trung (NOC) phát huy tốt khả năng cảnh báo vấn đề phát sinh theo thời gian thực để phát hiện và tiến hành xử lý ngay sai sót. Robotics và AI được thử nghiệm trong nhiều lĩnh vực.
Năm 2023, mặc dù mới bắt đầu đầu tư lĩnh vực supply chain (chuỗi cung ứng) nhưng Viettel Post cũng nhanh chóng thu hút nhiều khách hàng lớn như Guardian, Unilever… Doanh thu của lĩnh vực này tăng trưởng khoảng 70 - 80% so với năm 2022, mang về khoảng 1.200 – 1.300 tỷ đồng.
“Thế giới đã tiến đến mô hình tuyệt đối của hệ thống hạ tầng chuỗi cung ứng là “Dark Industry” hay “Dark Factories”, tức là mô hình kho hàng vận hành hoàn toàn tự động hóa, hoạt động trong bóng tối, không tiêu hao nhiệt lượng, ánh sáng… Viettel Post phải là doanh nghiệp logistics đầu tiên ở Việt Nam đưa mô hình này vào thực tế để trở thành doanh nghiệp dẫn dắt trong lĩnh vực công nghệ cho chuỗi cung ứng”, ông Thành không giấu tham vọng, đồng thời cho biết, “trong năm 2024 sẽ đẩy mạnh R&D, mở rộng năng lực phục vụ khách hàng quốc tế”.
Làm chủ công nghệ, xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới
Làm chủ công nghệ là một trong những ưu thế cạnh tranh của Viettel Post so với các đối thủ trong nước và quốc tế trong lĩnh vực logistics.
Chiến lược dài hơi của doanh nghiệp bưu chính này cũng tương tự như mảng viễn thông của Tập đoàn Viettel.
“Đầu tiên chúng tôi sẽ mua công nghệ, mua thiết bị về sử dụng. Sau đó là học, tìm hiểu nguyên lý hoạt động. Đến thời điểm, chúng tôi sẽ tự chủ được giải pháp phần mềm điều khiển và sau đó nữa là tự chủ sản xuất được phần cứng”, ông Thành giải thích rõ hơn.
Robot AGV là một minh chứng. Trước kia, Viettel Post phải mua toàn bộ phần cứng lẫn giải pháp phần mềm. Còn hiện nay, đội ngũ kỹ sư của doanh nghiệp đã chủ động được hoàn toàn phần mềm và hệ thống điều khiển, trở thành doanh nghiệp logisitcs đầu tiên tại Việt Nam tiến đến làm chủ giải pháp điều khiến Robot AGV. Kế hoạch tiếp tới sẽ hợp tác với các đơn vị khác trong Tập đoàn Viettel để sản xuất cả phần cứng
Tiên phong về công nghệ logistic không chỉ tạo cho Viettel Post lợi thế cạnh tranh tốt hơn tại thị trường trong nước mà còn tạo thuận lợi thực hiện bước tiếp theo là “Go Global” (vươn ra thị trường toàn cầu) và mở rộng sang các lĩnh vực khác nhằm xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới, trở thành nhân tố chủ lực đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới.
“Myanmar, Campuchia, Lào là 3 thị trường đầu tiên Viettel Post "Go Global". Với mục tiêu xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới, kết nối giữa ASEAN - Việt Nam - Trung Quốc, các nguồn lực mạnh mẽ nhất được dồn cho cuộc "ra quân" này”, Tổng Giám đốc Viettel Post hé lộ thông tin.
Theo kế hoạch dự kiến, Viettel Post sẽ mở rộng mạng lưới với 80 bưu cục, phủ trên 24 tỉnh/thành tại Campuchia, trong vòng 2 năm vươn lên vị trí Top 3 với 15% thị phần. Tại Myanmar, doanh nghiệp bưu chính Việt kỳ vọng cán mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng ngay trong năm 2024, vươn lên vị trí Top 1 ngành chuyển phát sau khoảng 3 - 5 năm hoạt động trên thị trường này. Tại Lào, mục tiêu sẽ hoàn thiện giấy phép kinh doanh dịch vụ ngay trong năm sau. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cũng sẽ mở văn phòng đại diện tại Thái Lan và Trung Quốc.
Thời gian gần đây, Viettel Post tăng tốc xây dựng một hạ tầng logistics quốc gia giúp kết nối thị trường cho hàng hóa lưu chuyển trong nước, và hơn thế, còn có thể giúp kết nối thị trường 1 tỷ dân của Trung Quốc với thị trường 700 triệu dân của ASEAN.
“Hiện nay, con đường luân chuyển hàng hóa từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương phải đi qua eo biển Malacca, luân chuyển tại Singapore. Con đường này đi bằng tàu nên tốc độ chỉ 20 - 25 km/h, thời gian vận chuyển mất 1 tuần. Nhưng nếu như hình thành hành lang đường bộ kết nối từ Trung Quốc qua Việt Nam đến ASEAN, kết nối từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, tổng chiều dài chỉ khoảng 1.200 km, nếu có thể làm đường cao tốc hay đường sắt cao tốc thì chỉ mất vài tiếng đồng hồ hoặc trong 1 ngày hàng sẽ đến nơi. Đây sẽ là con đường ảnh hưởng đến giao thương không chỉ của Việt Nam mà là cả Đông Nam Á”, người đứng đầu Viettel Post hướng tới viễn cảnh tương lai.
Khi những dự tính trở thành hiện thực, Viettel Post sẽ không chỉ khẳng định thế mạnh dẫn đầu lĩnh vực logistics trong nước mà còn vươn tầm thành một doanh nghiệp logistics uy tín toàn cầu.
Theo đuổi mục tiêu xây dựng và vận hành hiệu quả một hạ tầng logistics quốc gia thông minh, hướng tới hoàn thiện hạ tầng logistics xuyên biên giới, Viettel Post không ngừng phát triển và làm chủ công nghệ trong bốn mảng nghiệp vụ cơ bản. Một là nhóm công nghệ phục vụ chia chọn hàng hóa. Giải pháp tích hợp Robot AGV – Matrix – Crossbelt có khả năng chia chọn tự động 100% các loại hàng hóa từ tải kiện mỏng nhẹ đến hàng có hình dáng đặc thù với tỉ lệ sai sót gần như bằng 0, tổng công suất có thể lên đến 4 triệu đơn hàng/ngày, tương ứng hơn 50% sản lượng thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam). Đặc biệt, hệ thống 200 robot AGV có mức độ tự động hóa cấp 4, tức là tự động hóa hoàn toàn trong một không gian thiết kế sẵn. Sản lượng xử lý của mỗi robot lên tới 6.000 pph (bưu phẩm/giờ), cao gấp 6 lần so với việc xử lý thủ công. Robot có thể ghi nhớ toàn bộ 800 điểm phân loại hàng hóa tại trung tâm khai thác, trong khi một người lao động chỉ có thể ghi nhớ và chia hàng hóa tối đa với 10 điểm phân loại. Hai là xe tự hành, với 3 nhóm ứng dụng phân theo trọng tải hàng hóa, gồm: AGV chia chọn (đang sử dụng tại Khu công nghiệp Quang Minh – Hà Nội) với trọng tải tối đa 10kg; Robot cất và lấy hàng, sử dụng trong kho thông minh với trọng tải lên tới 500kg; Hệ thống xe tự hành container có thể chuyên chở các container tới 40 - 45 feet. Ba là tổ hợp các công nghệ sử dụng trong kho thông minh, bao gồm: IoT (Internet kết nối vạn vật), 5G, Robot, AI (trí tuệ nhân tạo), Big data (dữ liệu lớn), Digital twin (bản sao số), Green warehouse (nhà kho xanh)… Và bốn là nhóm hệ thống quản lý vận tải thông minh, giúp tối ưu mạng lưới, định tuyến hành trình xe, tối ưu hiệu quả sử dụng thùng xe 2 chiều; theo dõi hành trình và đơn hàng theo thời gian thực; dự báo sản lượng chính xác để tối ưu và đồng bộ hoạt động khai thác… Hệ thống giám sát trạng thái xe, hàng hóa và lái xe như hệ thống Camera AI, bản đồ số, hệ thống khóa thông minh, hệ thống túi RFID… giúp đảm bảo an toàn cho xe, hàng hóa và lái xe. |