Quyền bình đẳng trên không gian số
Đóng góp ý kiến cho việc xây dựng Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT hồi cuối năm 2009, Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam đã đặt vấn đề là phải trả lời bằng được về đòi hỏi tối thiểu của đất nước với sự phát triển của CNTT-TT. Đó chính là việc ứng dụng CNTT-TT cho các đòi hỏi về ngôn ngữ học mà trong đó có cả ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số.
Và kết quả là khi Đề án này được Chính phủ chính thức ban hành cuối năm 2010 đã có cụm từ “Xử lý tiếng Việt” trong Nhiệm vụ thứ 6 về Tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT-TT, làm chủ và từng bước sáng tạo ra công nghệ cho chế tạo sản phẩm mới. Theo những người trong cuộc, tiểu nhiệm vụ “Xử lý tiếng Việt” cần được hiểu theo nghĩa rộng là đã bao gồm công nghệ dịch thuật, Hán – Nôm và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số…
Tuy nhiên, suốt từ khi Đề án này được chính thức ban hành đến nay, việc cụ thể hoá cho 4 chữ “Xử lý tiếng Việt” vẫn chưa được ai đứng ra thực hiện và như vậy, bên cạnh nhiều công việc khác thì hành lang chính sách cho việc số hoá ngôn ngữ các dân tộc thiểu số cũng đương nhiên là chưa có.
Nói một cách hình tượng, tiếng Việt (Kinh) đã được thống nhất về mã chuẩn Unicode vào năm 2003. Tuy nhiên, đó mới chỉ là với Quốc ngữ và công việc tiếp theo vẫn còn phải làm rất nhiều, trong đó không thể không làm với quyền bình đẳng của các dân tộc thiểu số trên không gian số.
Theo TS Đặng Minh Tuấn – tác giả bộ gõ Vietkey, người đã trực tiếp tham gia công việc chuẩn hoá tiếng Việt về chuẩn Unicode, khối lượng công việc số hoá cho ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam sẽ lớn hơn rất nhiều và để làm được việc này thì trước hết phải có sự đánh giá, tổng kết lại một cách toàn diện những gì đã làm được về số hoá ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Sau đó, phải có sự hợp tác giữa các chuyên gia tin học và ngôn ngữ học trên cơ sở tranh thủ các sản phẩm đã có rồi chuẩn hoá, đăng ký vào bảng mã Unicode cho tất cả các dân tộc thiểu số.
Việc này nhất thiết phải có một dự án của Nhà nước. Và theo GS TS Nguyễn Văn Hiệp – nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, chúng ta đang nói nhiều về việc phải quan tâm đến quyền bình đẳng của các dân tộc thiểu số, song sẽ là thiếu sót rất lớn nếu không quan tâm, đầu tư cho ngôn ngữ của họ trong môi trường CNTT-TT và Internet. Đây chính là quyền bình đẳng của các dân tộc thiểu số trong thời đại 4.0.
Cần một dự án lớn của Nhà nước cho ngôn ngữ các dân tộc thiểu số
Như vậy, việc hình thành một dự án được Nhà nước đầu tư để số hoá ngôn ngữ các dân tộc thiểu số là việc đương nhiên phải làm. Đây là dự án phải có sự tham gia của đội ngũ chuyên gia tin học và ngôn ngữ học đã có những nghiên cứu sâu sắc về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Nguồn ngân sách cần được Nhà nước đầu tư chắc chắn cũng không thể là nhỏ và đương nhiên, cũng rất nên xã hội hoá với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT,... và sự tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài lĩnh vực CNTT-TT.
Chắc chắn, sẽ cần phải có một tổng chỉ huy và việc này Chính phủ có thể giao cho Uỷ ban Dân tộc chủ trì cùng sự tham gia của Viện Ngôn ngữ học và Viện Dân tộc học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Trước đó, việc này cũng cần được bàn ra Quốc hội và theo Đại biểu Bế Trung Anh – Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thì nhiều đồng bào vẫn dùng ngôn ngữ của chính dân tộc mình để giao lưu và trao đổi thông tin. Thế nên, nếu làm được việc này thì đó là điều rất tốt. Font chữ, bộ gõ, rồi cả từ văn bản trở thành tiếng nói tự động là những sản phẩm rất cần cho các dân tộc thiểu số để phổ cập tri thức và tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, dù có được Nhà nước quan tâm đầu tư và sự tham gia đóng góp tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức thì việc có sản phẩm số hoá ngôn ngữ các dân tộc thiểu số cũng chưa thể là xong. Một phần việc quan trọng không kém chính là phải làm thế nào để phổ biến các sản phẩm đó cho chính đồng bào các dân tộc thiểu số. Theo TS Đặng Minh Tuấn, cộng đồng trí thức người dân tộc thiểu số không thể là những người đứng ngoài cuộc với dự án này mà thậm chí phải tích cực ủng hộ, tuyên truyền và trực tiếp tham gia hoạt động đào tạo cho những kết quả đạt được để đồng bào của họ thực sự được hưởng lợi.