Doanh nghiệp loay hoay thay đổi để thích ứng
Công nghệ phát triển vũ bão, hành vi khách hàng biến thiên liên tục và thời gian để nảy sinh nhu cầu mới ngày một ngắn lại, đặc biệt là từ sau đại dịch. Điều này khiến cho việc cạnh tranh trên thị trường khốc liệt trở nên khốc liệt hơn.
Theo bà Đặng Thuý Hà, Giám đốc nghiên cứu hành vi người tiêu dùng (Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen IQ), trải nghiệm mua sắm đang ngày càng trở nên đa dạng hơn, từ thế giới thực sang tới thế giới ảo, đặc biệt với sự xuất hiện của metaverse.
Bên cạnh đó, việc livestream từ chủ yếu phục vụ nhu cầu giải trí giờ đây lại đang trở thành một kênh mua sắm, bán hàng. Thống kê của Nielsen cho thấy, tại những nước gần gũi với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, ngày càng có nhiều người dùng mạng xã hội sử dụng livestream như một kênh tiếp thị và mua sắm online.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vì vậy đang đứng trước bài toán nan giải trong việc tìm ra con đường phát triển đột phá nhằm thích ứng được với môi trường kinh doanh mới.
Theo Báo cáo Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2021, đổi mới sáng tạo mở chính là chìa khóa đột phá tăng trưởng của doanh nghiệp, khi có thể gia tăng tốc độ đổi mới sáng tạo lên từ 3 đến 5 lần trong khi tiết kiệm được đến 30% chi phí đầu tư.
Hiện nay, trên thế giới có hai xu hướng đổi mới sáng tạo, trong đó đổi mới sáng tạo khép kín tức là những doanh nghiệp có nguồn vốn, có chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) riêng biệt, giúp đẩy mạnh sáng tạo, tăng khả năng cạnh tranh như Airbus, Amazon, Microsoft, Apple, Qualcomm…
Xu hướng thứ hai là đổi mới sáng tạo mở, điển hình như các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, vận tải, giao hàng như Airbnb, Grab…
Trong quá khứ, nền tảng của đổi mới sáng tạo ở các doanh nghiệp từng là việc phát triển sản phẩm. Nhưng trong thời đại hiện nay, việc tạo ra sản phẩm mới không còn quan trọng bằng việc tạo ra năng lực đổi mới sáng tạo bền vững cho doanh nghiệp.
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết: “Đổi mới sáng tạo mở là một chủ đề được toàn thế giới quan tâm với hơn 1 tỷ lượt tra cứu và được rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới ứng dụng như một giải pháp, chiến lược tiếp cận khách hàng hiệu quả”.
Vị chuyên gia này khuyến khích các doanh nghiệp cùng đồng hành và hợp tác với các nguồn lực bên ngoài, để tối ưu hóa hiệu quả trong quá trình giải quyết bài toán kinh doanh. Qua đó, góp phần nhân rộng đổi mới sáng tạo mở ra một quy mô rộng lớn hơn, tiếp cận với nhiều chủ thể, thành phần hơn.
Cú “knock out” của Netflix và bài học cho doanh nghiệp Việt Nam
Để có thể làm rõ hơn về giá trị của đổi mới sáng tạo mở, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành của BambuUP lấy ví dụ về câu chuyện cạnh tranh của BlockBuster và Netflix.
Theo bà Quỳnh, hiện tại mọi người chỉ biết tới Netflix, thế nhưng ít ai biết rằng, có một doanh nghiệp tên BlockBuster từng là kẻ phá bĩnh của gã khổng lồ xuyên biên giới này.
Netflix ra đời trước BlockBuster. Ở thời điểm Netflix còn cho thuê đĩa DVD và gửi qua đường bưu điện, BlockBuster đã ra đời với những cửa hàng cho thuê đĩa DVD tự động, cạnh tranh trực tiếp với Netflix.
Dù vẫn là doanh nghiệp nắm giữ phần lớn thị phần, thế nhưng ban giám đốc của Netflix đã thấy được một mối hiểm họa trước sự trỗi dậy của BlockBuster và quyết định thay đổi mô hình kinh doanh, đầu tư nhiều hơn vào công nghệ. Kết quả là giờ đây Netflix đang trở thành gã khổng lồ xuyên biên giới trong lĩnh vực livestream, còn BlockBuster mới đây đã thông báo phá sản tại thị trường Mỹ.
Từ câu chuyện trên, vị chuyên gia đến từ BambuUP cho rằng, những doanh nghiệp lớn không được phép ngủ quên trên chiến thắng.
Để đổi mới sáng tạo mở thành công, các doanh nghiệp Việt cần phải có nhận thức đúng đắn, phải có kỹ năng, cấu trúc tổ chức phù hợp và một cách thức thu thập thông tin đa dạng, liên tục.
Trọng Đạt