Mới đây, Bộ Tư pháp và Trường Đại học Luật TP.HCM đã cùng phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam”. Đây là Hội thảo quốc tế đầu tiên tại Việt Nam về chủ đề pháp luật với trí tuệ nhân tạo nói chung, và cụ thể là thiết lập các quy định riêng rẽ về trách nhiệm pháp lý liên quan tới ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đời sống xã hội.
Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực với các cấp độ sử dụng khác nhau nhằm mang lại sự tối ưu và tiện lợi cho cuộc sống con người. Với những ưu điểm vượt trội, trí tuệ nhân tạo sẽ được ứng dụng ngày càng phổ biến hơn trong hoạt động sản xuất và phục vụ đời sống con người. Tuy nhiên các vấn đề mới mẻ phát sinh liên quan đến AI cũng đã và sẽ tạo ra rất nhiều tình huống pháp lý mới đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp.
Theo Cổng thông tin điện tử hochiminhcity.gov.vn, phát biểu khai mạc, PGS. TS. Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM chia sẻ: "Những năm gần đây, nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo được áp dụng rất nhiều trong lĩnh vực đời sống. Tuy nhiên, đối tượng liên quan đến trách nhiệm pháp lý còn thiếu vắng, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới rất quan tâm đến vấn đề này".
Việc sử dụng AI nếu có thiệt hại cho các đối tượng có liên quan thì trách nhiệm pháp lý thuộc về ai? Ở mức độ nào và trong trường hợp nào? Vì vậy việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, các quy định của pháp luật,… đặc biệt là trách nhiệm pháp lý của những đối tượng liên quan đến trí tuệ nhân tạo là vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Trước đó ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QÐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới trí tuệ nhân tạo.
Anh Hào