- Chị thấy sao khi nhận mưa lời khen của khán giả dành cho những phân đoạn xuất sắc vừa qua, cũng là khi nhân vật Khánh của chị bị đẩy vào tận cùng bi kịch?
Phương hạnh phúc với cơn mưa lời khen của khán giả. Hạnh phúc nhất là khi mọi người thương Khánh thật lòng, coi Khánh như người chị, người em, người con trong gia đình. Họ cũng đau buồn cho số phận của người thân đó trong gia đình và đó là điều rất quý giá đối với Phương, là nguồn động viên khích lệ rất lớn nhưng cũng là áp lực cho Phương, vậy những cảnh tiếp theo mình có làm tốt được như thế không? Mình có đủ sức giữ chân khán giả với Khánh đến cuối bộ phim hay không?
- Khi những tập phim phát sóng Lan Phương có xem và có khóc vì thương Khánh như nhiều khán giả? Ông xã có xem không và nhận xét ra sao?
Khi xem phim, nhất là tập 20, Phương có khóc vì Khánh còn những phân đoạn khác Phương cũng rơm rớm nước mắt. Bởi Phương không xem với tư cách chỉ là một khán giả mà xem với nhiều soi mói trong mắt mình, rằng liệu mình làm đã tốt chưa, mình có làm tốt hơn nữa được không? Sao mình lại diễn như thế? Tại sao lại nói như thế nhỉ? Phương xem với rất nhiều phân tích và suy xét để xem mình làm tốt hay không nên nó cũng cản trở mình khóc cười với nhân vật.
Nhưng cũng có những cảnh trong tập 20 khi xem mà Phương rớt nước mắt. Ông xã Phương cũng không có thời gian xem nhưng anh ấy biết hết mọi thứ thông qua những chia sẻ của đồng nghiệp anh ấy. Anh ấy nói đi đâu cũng thấy mọi người kể về nhân vật của Phương đang như thế nào, khổ ra làm sao. Phương nghĩ đó là điều rất đáng yêu.
- Nhớ lại những ngày qua những phân đoạn khổ sở của Khánh mà lên phim khán giả chỉ thấy cô ấy khóc chị có bị ám ảnh? Thời gian đó chị vượt qua những cảm xúc nặng nề khi hóa thân vào nhân vật như thế nào?
Khi đóng những cảnh khổ sở và nhiều nước mắt như vậy cơ thể mình cũng mệt mỏi và u uất. Thậm chí có những ngày về nhà mình cảm thấy rất mệt mỏi và buồn, mấy ngày sau vẫn cảm thấy buồn và trạng thái cũng không được vui vẻ cho lắm. Những thời gian đó cũng không nhiều vì trong một ngày, người diễn viên không chỉ diễn cảnh buồn không mà xong cảnh buồn thì cảnh sau lại diễn vui hoặc những trạng thái cảm xúc khác.
Cho nên Phương luôn phải có cách để mình thay đổi trạng thái cảm xúc nhanh mới có thể hoàn thành tốt cảnh tiếp theo. Nếu 1 ngày mà khóc từ sáng đến tối thì khi về nhà Phương rất mệt và kiệt sức, u uất theo. Cách Phương vượt qua là khi về nhà lại trở thành người mẹ thật sự của Lina. Phương chơi với con, nói chuyện với con với tư cách người mẹ lúc ấy Phương không bị cảm xúc nặng nề kia ám ảnh nữa.
- Khán giả thương Khánh nhưng cũng trách biên kịch 'Thương ngày nắng về' đã quá tàn nhẫn khi dồn quá nhiều bi kịch vào nhân vật đó. Còn chị với tư cách diễn viên và khán giả, chị có đồng ý với cách biên kịch "xuống tay" với Khánh như thế?
Đúng là mọi người cũng có nói nhiều về chuyện bi kịch đến nhiều quá còn với Phương cũng chia sẻ thật là thời gian đầu đọc phần 1 Phương cũng không quá thích Khánh đâu vì trên kịch bản phần 1 Khánh cũng không có quá nhiều sự đặc biệt, cứ giận dỗi rồi làm lành với chồng, mọi chuyện gần như chỉ như thế thôi. Chỉ có vài điểm nhấn là mắng mẹ rồi xin lỗi mẹ và say rượu thành ra cũng không có quá nhiều ấn tượng.
Đến phần 2 cũng nhờ biên kịch xuống tay cho nhiều bi kịch Phương mới có cơ hội để khai thác nhân vật và khai thác đến tận cùng cảm của cô ấy cũng như có cơ hội được diễn nhiều trạng thái cảm xúc. Nhờ vậy khán giả mới ấn tượng hơn và thương Khánh nhiều hơn. Dù sao Phương cũng phải cảm ơn biên kịch vì đã cho Phương cơ hội đó để được diễn một cách tốt hơn và Khánh cũng trở nên đầy đặn, đau đớn, sâu sắc hơn và nhiều cung bậc cảm xúc hơn. Khi có bi kịch người ta sẽ cố gắng quẫy cựa để mỗi ngày trở nên mạnh mẽ thoát khỏi vũng lầy đó. Đó cũng là quá trình để Khánh có cơ hội mạnh mẽ hơn và Phương có cơ hội thể hiện, được diễn nhân vật Khánh với nhiều trạng thái cảm xúc hơn.
- Trong quá trình quay có chi tiết nào liên quan đến nhân vật của mình khiến chị phải tranh cãi với biên kịch và đạo diễn để thay đổi không? Tình huống Khánh bị chị chồng cài bẫy cho tình cũ hãm hiếp để đổ oan bị khán giả chỉ trích nhiều nhất, cá nhân chị có đồng tình với tình huống này?
Thường khi làm việc Phương sẽ tôn trọng tất cả những gì biên kịch đưa đến cho mình. Biên kịch là người sáng tác độc lập. Họ đã sáng tác ra một tác phẩm và công việc của Phương là tôn trọng sự sáng tạo đó và bồi đắp da thịt, thêm mắm thêm muối, thêm cảm xúc... rất nhiều thứ để nhân vật trên giấy trở nên sống động. Đó cũng là một thử thách thú vị của Phương nên Phương không tranh cãi với biên kịch và đạo diễn. Nếu có tranh cãi chỉ có ở trong cảnh quay đó mình thế này sẽ mang lại cảm xúc tốt hơn cho nhân vật nhưng đạo diễn lại nghĩ thế kia tốt hơn. Những lúc đó Phương và đạo diễn trao đổi với nhau để tìm cách thức diễn đạt hiệu quả nhất cho nhân vật.
Còn về tình huống bị chị chồng cài bẫy để cưỡng hiếp Phương cũng không muốn nói có đồng tình hay không. Nếu là nhân vật Phương chỉ có xuôi theo số phận, chấp nhận số phận đó và đấu tranh như thế nào để tạo ra số phận tốt hơn cho mình. Phương nghĩ như thế nhiều hơn là việc biên kịch làm thế có tốt hay không. Với cách nghĩ như thế Phương cảm thấy quá trình làm việc của mình thú vị hơn, nhiều thử thách hơn và cũng đầy hứng khởi hơn.
Quỳnh An