Năm 2024, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Đà Nẵng đặt mục tiêu giúp gần 2.300 hộ nghèo còn sức lao động thoát nghèo, trong đó: thoát hết 112 hộ nghèo thuộc diện người có công, 505 hộ nghèo theo chuẩn Trung ương, 250 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 100% người thuộc hộ nghèo tiếp cận các chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản theo quy định...
Theo Sở LĐ-TB & XH TP Đà Nẵng, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, địa phương đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, giúp nhanh chóng giải quyết các vấn đề cơ bản, bức xúc đối với người nghèo. Trong đó, việc tổ chức đối thoại của các địa phương đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy công tác giảm nghèo theo đúng địa chỉ, đúng nhu cầu, đảm bảo trực tiếp, thiết thực, đa chiều, bền vững.
Ngày 17/8, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) tiếp tục tổ chức đối thoại hộ nghèo đợt 2 năm 2024 với 66 hộ nghèo còn sức lao động trên địa bàn. Hoạt động này nhằm lắng nghe, nắm bắt nguyện vọng của các hộ nghèo để kịp thời có hướng hỗ trợ phù hợp.
Đa phần hộ nghèo đều gặp khó khăn, như trong gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo, con cái đang tuổi ăn học, việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh, không đủ trang trải cuộc sống. Tại buổi đối thoại, các hộ nghèo trình bày hoàn cảnh hiện tại cụ thể, thẳng thắn chia sẻ nguyện vọng được hỗ trợ về phương tiện sinh kế như xe máy cũ, xe nước mía, hỗ trợ vốn làm ăn, hỗ trợ khó khăn đột xuất, sửa chữa nhà…
Động viên các hộ nghèo nỗ lực tự vươn lên khi còn sức lao động, không nên có tâm lý trông chờ ỷ lại, lãnh đạo phường Hiệp Hoà Bắc cũng cho biết sẽ có hướng dẫn cụ thể về thủ tục vay vốn, cân nhắc và xem xét hỗ trợ từng trường hợp. Tinh thần chung của việc hỗ trợ hộ nghèo còn sức lao động tại đây là "trao cần câu, không trao xâu cá", mục tiêu là để các hộ tự thân vượt qua khó khăn, tu chí làm ăn để sớm thoát nghèo.
Trước đó, trong tháng 6, lãnh đạo phường Hoà Hiệp Bắc cũng tổ chức đối thoại với 54 hộ nghèo còn sức lao động. Sau các buổi đối thoại, địa phương tổ chức phúc tra, khảo sát hộ dự kiến thoát nghèo, cận nghèo năm 2024 tại 17 khu dân cư. Đoàn tập trung khảo sát trực tiếp, rà soát các chỉ tiêu thiếu hụt, hoàn cảnh, việc làm, thu nhập của từng hộ. Các buổi phúc tra diễn ra công khai, minh bạch, khách quan, có đầy đủ các thành phần ở khu dân cư cùng bình xét.
Tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, năm 2024 có 505 hộ nghèo. Trước khi diễn ra hội nghị đối thoại với các hộ nghèo còn sức lao động, cán bộ cơ sở ở các khu dân cư đã tiến hành khảo sát, đối thoại trực tiếp từng hộ và có đề xuất phương hướng hỗ trợ, định hướng thoát nghèo năm 2024.
Ngày 18/7, UBND phối hợp Uỷ ban MTTQ Việt Nam phường tổ chức hội nghị đối thoại với 68 hộ nghèo còn sức lao động. Hầu hết các hộ bày tỏ tâm tư nguyện vọng, mong muốn được chính quyền địa phương hỗ trợ thay mái tôn, sửa chữa nhà xuống cấp; mua BHYT; hỗ trợ thuê nhà ở xã hội; vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ phương tiện sinh kế là xe nước mía,…
Tại quận Sơn Trà, công tác đối thoại hộ nghèo năm 2024 được tổ chức tại 7 phường với 802 hộ tham gia, trong đó có 9 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt được đối thoại riêng để xem xét hỗ trợ sinh kế. Toàn quận vận động Quỹ “Vì người nghèo” hơn 1,8 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới cho 9 hộ và sửa chữa nhà đại đoàn kết cho 63 hộ; xây mới và sửa chữa 77 nhà cho gia đình người có công.
Ở quận Hải Châu, 13 phường thuộc quận sớm hoàn thành công tác đối thoại với hộ nghèo từ quý I/2024. Mục tiêu của quận là giảm 244 hộ nghèo còn sức lao động và 90 hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố trong năm nay. 20 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở; 100 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ giới thiệu việc làm; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản…