Lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm khuyến cáo chủ phương tiện đặt lịch gần với ngày hết hạn, nhường cho những xe đã hết hạn hoặc cận ngày kiểm định.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Bùi Minh Kiên, phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 29.11D (Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, thời gian này cả 2 dây chuyền vẫn đang làm hết công suất, trung bình mỗi ngày kiểm định xong 120 xe. Trung tâm phát phiếu hẹn trực tiếp vào 7-8h sáng và 13-14h hàng ngày. Hiện lịch đã kín đến ngày 6/6.
Đáng lưu ý, theo ông Kiên, tỷ lệ xe không đạt kiểm định ngay trong lần đầu tiên chiếm tới 30%. Trong bối cảnh các trung tâm đều quá tải như hiện nay, để tiết kiệm thời gian, không phải quay lại nhiều lần, ông Kiên khuyến cáo chủ phương tiện nên bảo dưỡng xe trước khi đi đăng kiểm.
“Người dân nên đến đúng thời gian (ngày, giờ) đã được ghi cụ thể trên phiếu hẹn để không phải chờ đợi cũng như giảm áp lực cho trung tâm”, ông Kiên lưu ý.
Qua thực tế ghi nhận, do lo ngại xe đến hạn không thể đăng kiểm được, nhiều chủ phương tiện đã xếp chỗ lấy số ở nhiều nơi bằng cả hai hình thức trực tiếp và qua app. Tại Trung tâm Đăng kiểm 29.11D, theo ông Kiên, một số chủ phương tiện cho biết có tới 4-5 phiếu hẹn.
Rất chia sẻ với sự lo lắng của người dân, tuy nhiên, theo ông Kiên, “người dân không nên làm như thế”.
“Bởi việc đăng ký nhiều nơi sẽ khiến cho các trung tâm khó kiểm soát. Thông thường, chúng tôi đã tính toán phát số phiếu đủ trong mỗi ngày. Khách hàng đã nhận được phiếu hẹn có nghĩa là chắc chắn đến ngày giờ ấy xe sẽ được kiểm tra.
Nếu lấy phiếu hẹn rồi lại không đến thì sẽ làm mất thời gian của trung tâm cũng như làm mất cơ hội cho các xe khác”, ông Kiên lưu ý.
Tương tự, ông Trần Nguyên Sinh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29.08D (Hoài Đức, Hà Nội) cũng khuyến cáo chủ xe trước hạn đăng kiểm 10 ngày mới đăng ký.
Nếu những xe còn hạn đăng kiểm dài thì nên nhường cho những người sắp hết hạn khám trước. Trung tâm triển khai đặt lịch hẹn song song hai hình thức: Lấy phiếu hẹn trực tiếp tại trung tâm sẽ được hẹn trước 7-10 ngày và hẹn qua app thì thời gian chờ là 15-20 ngày.
"Chúng tôi chỉ hẹn trong khoảng thời gian ấy nhằm đảm bảo khi nhận được lịch hẹn chủ phương tiện sẽ được kiểm định, tránh hẹn dài ngày khách đặt lịch xong lại đi tìm chỗ khác. Như thế vừa hạn chế được việc đăng ký ảo, anh em cũng không phải ngồi chơi vì xe hẹn rồi không đến”, ông Sinh cho hay.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Văn Hoan, phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 29.03V (Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) cũng khuyến cáo chủ phương tiện nên đăng ký trước khi xe đến hạn 10 ngày.
“Chúng tôi cũng chỉ nhận xe quá hạn hoặc gần đến hạn. Với những xe còn hạn trên 10 ngày, trung tâm thường khuyến khích lùi lại nhường cho những xe khác. Ngoài ra, trước khi đi đăng kiểm chủ phương tiện nên kiểm tra xe có bị phạt nguội hay không?”, ông Hoan cho hay.
Được biết, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng khuyến khích chủ phương tiện lựa chọn lịch kiểm định gần với ngày hết hạn.
Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An kiến nghị, Cục Đăng kiểm Việt Nam cần nâng cấp ứng dụng phần mềm đăng ký đăng kiểm, sớm xử lý và khắc phục các tồn tại trong đăng kiểm qua app như đăng ký trùng lắp, đăng ký nhưng không đăng kiểm…
Vẫn còn 800.000 xe chưa được kiểm định
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết, thực tế tình trạng ùn tắc đã và đang diễn ra tại 184 trung tâm ở 43 tỉnh, thành phố. Cụ thể, số lượng phương tiện hiện tại đến kỳ chưa được kiểm định khoảng 800.000 xe; số lượng phải kiểm định trong 6 tháng tới là khoảng 1,7 triệu xe. Tổng số lượng phương tiện phải kiểm định trong 6 tháng khoảng 2,5 triệu xe.
Trong khi đó, năng lực kiểm định của 241 trung tâm đăng kiểm (384 dây chuyền) đang hoạt động hàng tháng khoảng 550.000 xe.
Như vậy, để giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng, ùn tắc lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết phải cần ít nhất 6 tháng để kiểm định hết (chưa kể trường hợp phương tiện phải kiểm định lại). Đặc biệt là khu vực thủ đô Hà Nội và TP.HCM có mật độ phương tiện cao nên sẽ phải kéo dài thời gian hơn.