Thanh toán không dùng tiền mặt xuất hiện từ huyện đến thành phố
Đến huyện Bảo Yên, Lào Cai công tác, chị Huyền Thanh (Hà Nội) rút sẵn một khoản tiền mặt để tiện chi tiêu vì lo ngại không có thanh toán chuyển khoản, quét mã QR như ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, khi đưa tờ 500 nghìn để thanh toán vài chục nghìn ở tiệm tạp hóa, chị Thanh không khỏi bất ngờ khi được đề nghị chuyển khoản.
“Tôi cứ nghĩ thanh toán chuyển khoản may ra chỉ có ở thành phố Lào Cai thôi, ai ngờ về đến huyện cũng có, rất tiện lợi”, chị Huyền Thanh cho hay.
Giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích trên cả nước, trong đó có Lào Cai từ giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Nhờ sự thuận tiện, an toàn giải pháp này đã trở thành thói quen của nhiều người trong giai đoạn bình thường mới. Nhờ đó, hiện ở Lào Cai, ngay ở hàng quán vỉa hè, sạp hàng ở chợ hay các địa điểm dịch vụ rửa xe, đổ xăng, chuyển khoản hay sử dụng mã QR code để thanh toán không còn là điều xa lạ. Tại các huyện như Bảo Yên, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đã chiếm khoảng 20% tại một số cửa hàng và đang có chiều hướng tăng cao.
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai, hiện 100% doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, hơn 80% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến. Các ngân hàng thương mại đều có hạ tầng kỹ thuật, cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, như giao dịch bằng thẻ tín dụng, máy ATM, chuyển tiền qua internet, quét mã thanh toán QR-Code…
Từ tháng 4/2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai và Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Chi nhánh Lào Cai II (Agribank CN Lào cai II) đã hợp tác triển khai việc thanh toán tiền viện phí không dùng tiền mặt giai đoạn 1, chấp nhận thanh toán bằng thẻ ngân hàng ATM tại tất cả các quầy thu của bệnh viện. Ứng dụng này còn thích hợp với cơ sở dữ liệu của hoạt động khám, chữa bệnh với công tác tài chính kế toán trong việc thu chi phí và xuất dữ liệu tài chính của người bệnh dễ dàng, giúp công tác quản lý tài chính của bệnh viện thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, người dân Lào Cai cũng dần hình thành thói quen không sử dụng tiền mặt trong thực hiện các giao dịch hành chính với cơ quan Nhà nước hay thanh toán trực tuyến nhiều loại phí: tiền điện, điện thoại, internet, nước sạch, bảo hiểm… Đến nay gần 70% khách hàng của Công ty Điện lực Lào Cai chuyển sang sử dụng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Từ đầu năm 2022, việc thu tiền sử dụng nước của 52 nghìn khách hàng của Công ty Cổ phần cấp nước Lào Cai cũng đã chuyển hoàn toàn sang các ngân hàng và các đơn vị thu hộ.
Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Với lợi thế tiện lợi, an toàn, hạn chế rủi ro và chính xác, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như chuyển khoản, quét mã QR, mobile money, ví điện tử… ngày càng “được lòng” người dùng. Theo nghiên cứu, 65% người tiêu dùng Việt mang ít tiền mặt hơn trong ví và 32% cho biết họ sẽ ngưng sử dụng tiền mặt sau đại dịch; gần 76% người tiêu dùng hiện đang sử dụng ví điện tử.
Lào Cai cũng đang có nhiều thuận lợi để phát triển phương thức thanh toán không dùng tiền mặt với 100% trung tâm xã, phường, thị trấn và trên 95% thôn, bản đã phủ sóng điện thoại di động, 60% thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã có dịch vụ internet. Ngoài ra, Lào Cai cũng sở hữu lượng lớn dân số trẻ cùng tỷ lệ sử dụng thiết bị di động, internet cao.
Để đẩy mạnh thanh toàn không dùng tiền mặt, ngành điện lực Lào Cai đang tích cực phối hợp với các ngân hàng và tổ chức trung gian giúp khách hàng có nhiều lựa chọn, dễ dàng trong thanh toán tiền điện trực tuyến như thanh toán qua tài khoản ngân hàng, qua các ví điện tử, thanh toán với mã QR… Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng chủ động tăng cường quảng bá, tiếp cận khách hàng gián tiếp và đẩy mạnh đặt phòng qua mạng xã hội, các ứng dụng trên thiết bị di động và thanh toán không dùng tiền mặt.
Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến hết năm 2022 tỷ lệ trường học, bệnh viện áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 50%, tăng 25% so với năm 2021. Tỉnh xác định tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ở mọi giao dịch, thúc đẩy thương mại điện tử, tạo thêm nhiều tiện ích cho người dân.
H.D