Những ngày đầu năm 2025, bà Lê Thị Nguyệt chủ một doanh nghiệp kiểm toán ở Hà Nội đăng tin tuyển thêm 4 lao động tốt nghiệp chuyên ngành kế toán và xây dựng để chuẩn bị cho cho hoạt động sản xuất kinh doanh năm mới. Với mức lương đưa ra 10 -12 triệu đồng/tháng, bà Nguyệt không thể tuyển được người lao động như mong đợi.

“Có người đến phỏng vấn đồng ý làm việc ngay nhưng đòi hỏi mức lương từ 18-20 triệu đồng/tháng nên công ty không đáp ứng nổi. Trong khi những người hài lòng với mức lương công ty đưa ra thì lại yêu cầu qua Tết Ất Tỵ mới đi làm vì muốn nhận thưởng Tết tại công ty cũ. Nhìn chung, tuyển dụng lao động vào thời điểm này rất khó”, bà Nguyệt nói.

Giảm giờ làm 3.jpg (Hoàng Hà)
Các ngành nghề cần tuyển dụng nhiều người lao động làm việc là thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế biến chế tạo, vận tải. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà.

Đại diện một doanh nghiệp chuyên về chuyển phát nhanh ở Hà Nội chia sẻ, cuối năm đơn vị muốn tuyển 100 nhân viên để vận chuyển hàng hoá trên địa bàn. Tuy nhiên, việc tuyển dụng ở thời điểm này khá khó khăn do người lao động chưa sẵn sàng chuyển việc.

Dù đã bước sang đầu năm 2025, nhưng vẫn là cuối năm Giáp Thìn, nhiều người lao động chưa có ý định chuyển công việc mới. Thông thường họ chỉ tìm hiểu thông tin và có ý định chuyển việc sau Tết Âm lịch. Hơn nữa, hiện nay các doanh nghiệp hiện đều có chính sách, chế độ phúc lợi lương, thưởng để giữ chân người lao động, nên tỷ lệ “nhảy việc” không nhiều.

Chị Nguyễn Thị Thanh ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) làm kế toán cho một công ty xuất nhập khẩu ở Hà Nội chia sẻ, sau Tết Âm lịch chị sẽ xin nghỉ việc để tìm công việc khác có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên vì cuối năm công việc còn dang dở, công ty cũng hứa hẹn thưởng Tết nên chị cố gắng làm đến qua Tết Âm lịch mới xin nghỉ việc.

“Đi làm cả năm chỉ trông chờ vào khoản thưởng Tết, vì thế đa số người lao động sẽ không “nhảy việc” trước Tết”, chị Thanh nói.

Năm 2025, nhiều cơ hội việc làm

Trao đổi với VietNamNet, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội cho biết, trong những tháng cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn TP có xu hướng tăng cao do đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong dịp lễ, Tết, đồng thời cũng để hoàn thành kế hoạch và các đơn hàng trong năm.

Bên cạnh nhu cầu tuyển dụng lao động full-time, các ngành như bán lẻ, dịch vụ, sản xuất công nghiệp và logistics có nhu cầu tuyển lao động thời vụ tăng mạnh.

Qua quan sát của Trung tâm, tình trạng thiếu hụt lao động chủ yếu xảy ra ở một số ngành đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao hoặc kinh nghiệm như công nghệ thông tin, kỹ thuật và chăm sóc sức khỏe. Đối với lao động phổ thông, nguồn cung lao động khá dồi dào nhưng vẫn tồn tại thách thức về sức khỏe, kỹ năng và việc tìm kiếm thu nhập phù hợp với người lao động và yêu cầu của doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, năm 2025, thị trường lao động Thủ đô tiếp tục có sự ổn định và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Điều này được thể hiện qua những cơ chế, chính sách của thành phố triển khai, cơ chế thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, giúp doanh nghiệp ổn định, phát triển hơn và gắn liền với thị trường lao động.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, đến nay thị trường lao động phục hồi nhanh và có bước phát triển, tuy nhiên vẫn có sự thiếu hụt lao động nhẹ tại các địa bàn trọng yếu, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thực tế có hiện tượng thiếu hụt lao động nhưng không nghiêm trọng. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp lớn có thêm các đơn hàng phục vụ cho các ngày lễ cuối năm, trong khi các doanh nghiệp này không có phương án chuẩn bị sẵn nguồn lao động. Số lao động mà doanh nghiệp thiếu chủ yếu là lao động phổ thông, trong các ngành dệt may, lắp ráp điện tử.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng cường kết nối và điều tiết hiệu quả cung - cầu lao động, khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và tư, cũng như khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường.

Cùng với đó là nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp.