Sáng 6/9, trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, UBND phường Tràng Tiền đã trình hồ sơ xử phạt hành chính nam ca sĩ Tuấn Hưng vì vi phạm hành chính với các lỗi:
Tổ chức biểu diễn nghệ thuật không có sự cho phép của cơ quan thẩm quyền là Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội; mang các thiết bị âm thanh công suất lớn vào không gian phố đi bộ mà chưa có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trao đổi với VietNamNet, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi biểu diễn nghệ thuật không xin phép, tập trung đông người, không đảm bảo an ninh trật tự, an toàn về phòng cháy chữa cháy, không tuân thủ quy định về phòng chống dịch bệnh thì có thể bị xử phạt hành chính.
Và nếu không may gây hậu quả nghiêm trọng, chế tài cũng sẽ rất nghiêm khắc.
Theo luật sư, pháp luật Việt Nam khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật, cống hiến những giá trị nghệ thuật cho cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên, hoạt động biểu diễn nghệ thuật là một hoạt động đặc thù bởi sẽ tập trung đông người, sử dụng những thiết bị âm thanh, ánh sáng đặc biệt, có thể ảnh hưởng tới các hoạt động, các lĩnh vực khác. Đây còn là một hoạt động văn hóa nên có sự quản lý của nhà nước.
Hiện việc quản lý hoạt động biểu diễn được thực hiện theo Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Để được tổ chức biểu diễn nghệ thuật, cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện: Là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật; hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn;
Tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật; Phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật;
Có văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc UBND cấp tỉnh.
UBND cấp tỉnh có thẩm quyền chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật được tổ chức trên địa bàn quản lý, không thuộc trường hợp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận.
Nghị định này cũng quy định, trước khi tổ chức biểu diễn, đơn vị tổ chức có trách nhiệm thông báo tới UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện nơi tổ chức biểu diễn theo quy định.
Căn cứ vào quy mô, nội dung, chương trình của buổi biểu diễn nghệ thuật, những điều kiện đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy mà cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp phép, cho phép và quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật sao cho giảm thiểu đến mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra, hạn chế những tác động tiêu cực từ hoạt động này đến cộng đồng và tạo ra một môi trường văn hóa văn minh, lành mạnh cho những người thưởng thức.
Vẫn theo tiến sĩ Đặng Văn Cường, với những hoạt động biểu diễn nghệ thuật không đảm bảo về điều kiện an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, sẽ không được hoạt động.
Mặc dù dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, nhưng các quy định về đảm bảo an toàn nơi đông người vẫn được duy trì, nguy cơ bùng phát dịch bệnh có thể nảy sinh bất kỳ khi nào. Hơn nữa, việc biểu diễn nghệ thuật ngoài trời đòi hỏi sử dụng âm thanh công suất lớn nên có thể ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các gia đình xung quanh.
Bởi vậy, việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật trên ban công để người dân dưới đường hò reo cổ vũ, thưởng thức có thể là hành vi vi phạm quy định về an ninh trật tự, về phòng cháy chữa cháy, về phòng chống dịch bệnh và ảnh hưởng đến những hộ dân xung quanh.
“Việc cơ quan chức năng mời ca sĩ đến nhắc nhở, thậm chí lập biên bản vi phạm để xử lý về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, về phòng chống dịch bệnh và về trật tự công cộng là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật”, Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho hay.