Cầm trên tay đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng, tôi chẳng biết phải tiêu gì, bớt tiêu gì cho đủ. Tết sắp đến, biết bao nhiêu thứ phải lo trong khi giá cả tăng vọt. Chạnh lòng ngán ngẩm bởi cuộc sống gia đình quá chật vật.
Hai vợ chồng tôi bằng tuổi nhau, cùng ra trường và lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Bố mẹ hai bên ở quê cũng không khá giả gì nên không thể giúp đỡ thêm cho chúng tôi. Mọi người vẫn bảo yêu người bằng tuổi thì khổ vì cùng xuất phát điểm như nhau, người con trai sẽ không đủ khả năng bao bọc cho người con gái cả về vật chất lẫn tinh thần. Những chàng trai bằng tuổi cũng thường trẻ con. Tôi cũng đã nghĩ về điều đó và thấy có phần đúng. Người yêu tôi mới đi làm, lương lại thấp, là con trai nên anh ấy chẳng giữ được đồng nào, có bao nhiêu là tiêu hết bấy nhiêu.
Tôi cũng thông cảm cho anh, biết hoàn cảnh anh khó khăn nên cũng không đòi hỏi quà cáp đắt tiền hay hôm nào cũng đi chơi đi ăn, mà tiết kiệm những khoản “tình phí” đến mức tối đa nhất. Lắm lúc nhìn đám bạn có người yêu khá giả, quà cáp rồi đi chơi chỗ này chỗ nọ liên tục tôi cũng cảm thấy tủi thân lắm. Nhưng chỉ cần anh động viên vài câu, trêu đùa nựng nịu một chút là tôi sẽ quên ngay và lại có thể vui vẻ tươi cười bên anh.
Lúc yêu nhau, tôi cứ nghĩ chỉ cần hai người thật lòng với nhau, cùng chung lưng đấu cật bảo ban nhau làm ăn và tích lũy, thế nào chúng tôi cũng có một cuộc sống êm ấm. Nhưng chỉ đến khi bước vào cuộc sống gia đình thật sự, đối mặt với những vấn đề cơm áo gạo tiền, tôi mới biết mình đã… nhầm.
Đi làm được 2 năm, tôi quen và yêu anh. Anh là người chất phác, vui tính và tốt bụng. Nhưng bố mẹ tôi không thực sự ưng ý vì điều kiện kinh tế tương đối khó khăn. Anh đi làm nhưng lương không cao, bố mẹ ở nhà lại thường xuyên đau ốm. Là con một, anh phải có trách nhiệm phụng dưỡng và chăm sóc cha mẹ. Vì thế đồng lương vốn đã ít ỏi của anh hàng tháng phải gửi một phần về cho gia đình.
Vượt qua những khó khăn và trở ngại, hai chúng tôi cũng đến được với nhau và có một đám cưới ấm áp, hạnh phúc. Tôi cứ suy nghĩ đơn giản, hai vợ chồng kiếm được bằng nào thì tiêu bằng ấy, tiền thì biết thế nào cho đủ nên vẫn vui vẻ. Mọi thứ chi phí trong nhà đều do tôi quán xuyến hết.
Thời gian đầu, cuộc sống vợ chồng luôn tràn đầy tiếng cười hạnh phúc. Khi hai vợ chồng còn son rỗi, cuộc sống tuy có hơi vất vả nhưng chúng tôi vẫn chịu đựng được. Nhưng đến khi có con, nảy sinh bao nhiêu thứ phải chi tiêu. Hàng tháng phải đối mặt với các khoản thu chi, tôi mới thở dài ngao ngán. Vợ chồng tôi vẫn chưa có nhà, mà phải đi thuê trọ với giá 1,5 triệu/tháng. Rồi các khoản: tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, tiền ăn, tiền xăng xe, tiền mua sắm vật dụng trong nhà, tiền mua sữa, mua tã, quần áo cho con… rồi tiền cưới xin, thăm người ốm, bà đẻ, tiền về quê hàng tháng thăm ông bà… Cơ man những khoản phải chi tiêu, không cái gì là không cần đến tiền làm tôi ức chế, mệt mỏi nên thường hay cáu gắt, bực bội.
Công việc của hai chúng tôi cũng chỉ được có thế, cơ hội thăng tiến là rất khó khăn. Anh cũng không thể kiếm việc làm thêm khi công việc ở công ty đã tối mắt tối mũi, về nhà là anh cảm thấy mệt mỏi, chán chường. Tôi cũng biết anh đã cố gắng hạn chế rất nhiều những khoản chi tiêu bù khú, nhậu nhẹt bạn bè để cuộc sống vợ chồng bớt khó khăn nhưng thực sự tôi vẫn cảm thấy stress và áp lực. Nghĩ đến cảnh phải thuê nhà hàng chục năm nữa rồi phải sống chắt bóp, tằn tiện, vay mượn mà tôi tủi thân chỉ muốn khóc.
Lại một cái Tết nữa sắp đến, có biết bao nhiêu thứ phải lo, biết bao nhiêu khoản phải chi. Tiền biếu bố mẹ bên nội, bên ngoại, tiền quà cáp cho họ hàng, làng xóm, tiền mừng tuổi cho các cháu, tiền tàu xe đi lại… Cứ nghĩ đến là tôi thấy đau đầu. Dù gì chúng tôi cũng mang tiếng là ra Hà Nội làm ăn mà tết nhất không biếu được bố mẹ một khoản cho ra tấm ra món thì thật bẽ bàng. Tết cũng là dịp con cái thể hiện lòng hiếu lễ với cha mẹ nên tôi rất băn khoăn day dứt, nhiều đêm trằn trọc không ngủ được. Nhẩm tính sơ sơ tiền thưởng tết của cả hai vợ chồng cho chuyến về quê ăn tết cũng đã hết, chả còn dư ra đồng nào để sắm sửa đồ đạc hay mua thêm cho con hộp sữa, bộ quần áo mới…
Càng nghĩ tôi lại càng thấy não nề. Nhìn đám bạn nhà cao cửa rộng, xe hơi chạy vù vù, tiền tiêu không tiếc tay mà thèm, chỉ mong được một phần như thế. Trong khi chúng cũng làm nhà nước như tôi, thu nhập cũng chỉ ngang bằng tôi. Hỏi ra mới biết do lấy được chồng giàu, làm mỗi tháng hàng chục triệu nên mới được chi tiêu thoải mái như vậy. Có lẽ cái số của tôi không được nhờ chồng. Cuộc sống khó khăn quá khiến tôi không khỏi chạnh lòng, có lần chợt nghĩ không biết mình có sai khi quyết lấy chồng nghèo?
Thanh Hảo
Bạn đọc chia sẻ tâm sự của mình với chuyên mục "Chuyện chung, chuyện riêng" xin gửi về: banbandoc@vietnamnet.vn (Ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại để tiện liên hệ).
Hai vợ chồng tôi bằng tuổi nhau, cùng ra trường và lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Bố mẹ hai bên ở quê cũng không khá giả gì nên không thể giúp đỡ thêm cho chúng tôi. Mọi người vẫn bảo yêu người bằng tuổi thì khổ vì cùng xuất phát điểm như nhau, người con trai sẽ không đủ khả năng bao bọc cho người con gái cả về vật chất lẫn tinh thần. Những chàng trai bằng tuổi cũng thường trẻ con. Tôi cũng đã nghĩ về điều đó và thấy có phần đúng. Người yêu tôi mới đi làm, lương lại thấp, là con trai nên anh ấy chẳng giữ được đồng nào, có bao nhiêu là tiêu hết bấy nhiêu.
Ảnh minh họa |
Lúc yêu nhau, tôi cứ nghĩ chỉ cần hai người thật lòng với nhau, cùng chung lưng đấu cật bảo ban nhau làm ăn và tích lũy, thế nào chúng tôi cũng có một cuộc sống êm ấm. Nhưng chỉ đến khi bước vào cuộc sống gia đình thật sự, đối mặt với những vấn đề cơm áo gạo tiền, tôi mới biết mình đã… nhầm.
Đi làm được 2 năm, tôi quen và yêu anh. Anh là người chất phác, vui tính và tốt bụng. Nhưng bố mẹ tôi không thực sự ưng ý vì điều kiện kinh tế tương đối khó khăn. Anh đi làm nhưng lương không cao, bố mẹ ở nhà lại thường xuyên đau ốm. Là con một, anh phải có trách nhiệm phụng dưỡng và chăm sóc cha mẹ. Vì thế đồng lương vốn đã ít ỏi của anh hàng tháng phải gửi một phần về cho gia đình.
Vượt qua những khó khăn và trở ngại, hai chúng tôi cũng đến được với nhau và có một đám cưới ấm áp, hạnh phúc. Tôi cứ suy nghĩ đơn giản, hai vợ chồng kiếm được bằng nào thì tiêu bằng ấy, tiền thì biết thế nào cho đủ nên vẫn vui vẻ. Mọi thứ chi phí trong nhà đều do tôi quán xuyến hết.
Thời gian đầu, cuộc sống vợ chồng luôn tràn đầy tiếng cười hạnh phúc. Khi hai vợ chồng còn son rỗi, cuộc sống tuy có hơi vất vả nhưng chúng tôi vẫn chịu đựng được. Nhưng đến khi có con, nảy sinh bao nhiêu thứ phải chi tiêu. Hàng tháng phải đối mặt với các khoản thu chi, tôi mới thở dài ngao ngán. Vợ chồng tôi vẫn chưa có nhà, mà phải đi thuê trọ với giá 1,5 triệu/tháng. Rồi các khoản: tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, tiền ăn, tiền xăng xe, tiền mua sắm vật dụng trong nhà, tiền mua sữa, mua tã, quần áo cho con… rồi tiền cưới xin, thăm người ốm, bà đẻ, tiền về quê hàng tháng thăm ông bà… Cơ man những khoản phải chi tiêu, không cái gì là không cần đến tiền làm tôi ức chế, mệt mỏi nên thường hay cáu gắt, bực bội.
Công việc của hai chúng tôi cũng chỉ được có thế, cơ hội thăng tiến là rất khó khăn. Anh cũng không thể kiếm việc làm thêm khi công việc ở công ty đã tối mắt tối mũi, về nhà là anh cảm thấy mệt mỏi, chán chường. Tôi cũng biết anh đã cố gắng hạn chế rất nhiều những khoản chi tiêu bù khú, nhậu nhẹt bạn bè để cuộc sống vợ chồng bớt khó khăn nhưng thực sự tôi vẫn cảm thấy stress và áp lực. Nghĩ đến cảnh phải thuê nhà hàng chục năm nữa rồi phải sống chắt bóp, tằn tiện, vay mượn mà tôi tủi thân chỉ muốn khóc.
Lại một cái Tết nữa sắp đến, có biết bao nhiêu thứ phải lo, biết bao nhiêu khoản phải chi. Tiền biếu bố mẹ bên nội, bên ngoại, tiền quà cáp cho họ hàng, làng xóm, tiền mừng tuổi cho các cháu, tiền tàu xe đi lại… Cứ nghĩ đến là tôi thấy đau đầu. Dù gì chúng tôi cũng mang tiếng là ra Hà Nội làm ăn mà tết nhất không biếu được bố mẹ một khoản cho ra tấm ra món thì thật bẽ bàng. Tết cũng là dịp con cái thể hiện lòng hiếu lễ với cha mẹ nên tôi rất băn khoăn day dứt, nhiều đêm trằn trọc không ngủ được. Nhẩm tính sơ sơ tiền thưởng tết của cả hai vợ chồng cho chuyến về quê ăn tết cũng đã hết, chả còn dư ra đồng nào để sắm sửa đồ đạc hay mua thêm cho con hộp sữa, bộ quần áo mới…
Càng nghĩ tôi lại càng thấy não nề. Nhìn đám bạn nhà cao cửa rộng, xe hơi chạy vù vù, tiền tiêu không tiếc tay mà thèm, chỉ mong được một phần như thế. Trong khi chúng cũng làm nhà nước như tôi, thu nhập cũng chỉ ngang bằng tôi. Hỏi ra mới biết do lấy được chồng giàu, làm mỗi tháng hàng chục triệu nên mới được chi tiêu thoải mái như vậy. Có lẽ cái số của tôi không được nhờ chồng. Cuộc sống khó khăn quá khiến tôi không khỏi chạnh lòng, có lần chợt nghĩ không biết mình có sai khi quyết lấy chồng nghèo?
Thanh Hảo
Bạn đọc chia sẻ tâm sự của mình với chuyên mục "Chuyện chung, chuyện riêng" xin gửi về: banbandoc@vietnamnet.vn (Ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại để tiện liên hệ).