Lễ hội kén rể thôn Đường Yên (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội) được tổ chức chiều 21/2 (2/2 Âm lịch). Chương trình được phục dựng lại từ năm 2001 sau 60 năm thất truyền, bắt nguồn từ sự tích nữ tướng Lê Hoa có công đánh giặc Đông Hán (năm 40 trước CN) được Hai Bà Trưng phong tước “nữ sư anh phong”. Sau đó bà trở về quê nhà mở hội đua tài canh nông và kén rể.
Năm nay, em Nguyễn Thị Hường (20 tuổi) được chọn làm "nữ tướng Lê Hoa". Để hóa trang thành nhân vật quan trọng này, người vào vai cần phải trang điểm và mặc trang phục cầu kỳ, chuẩn chỉ.
Những người trong đoàn biểu diễn cũng phải trang điểm và hóa trang đúng theo từng nhân vật được phân công.
“Nô tì”, một nhân vật phụ quan trọng và mang lại nhiều tiếng cười trong lễ hội. Người vào vai này là nam giới có khuôn mặt thanh tú, được hóa trang sặc sỡ. Một trong hai thanh niên có vinh dự này là Dương Đình Chiến (18 tuổi). “Đây là lần đầu tôi vào vai nô tì tại lễ hội kén rể của làng. Ban đầu hơi ngại vì hóa trang thành nữ và phải độn ngực nhưng sau đó thấy đây là một nghi lễ hết sức thiêng liêng, tôi lại thấy rất tự hào”, chàng trai chia sẻ.
“Nữ tướng Lê Hoa” xinh đẹp lộng lẫy. Trước giờ khai hội cô vẫn lăm lăm không rời chiếc smartphone.
Đến đầu giờ chiều, lễ hội được diễn ra với tiết mục múa "Cởi giáp vú mo". Tương truyền, nữ tướng Lê Hoa đã sáng tạo ra việc dùng mo cau làm áo giáp và khi trở về quê hương bà đã cởi bỏ để đi làm nông.
Lễ kén rể được chia làm hai phần, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ chính là đám rước trọng thể đưa nữ tướng làng về đình tế lễ cùng “mẫu bà”.
Việc chọn người tham gia được tiến hành kỹ lưỡng. Người đóng vai mẹ của nữ tướng Lê Hoa “mẫu bà” phải là người đẹp song toàn, gia đình ổn định.
Sau khi tế lễ trong đình, phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ được tái hiện. Ở phần thi kén rể, hai mẹ con nữ tướng quan sát hai chàng rể chơi trò chơi để thử tài.
Nữ tướng dìu mẫu bà lên bục xem hội, thể hiện sự hiếu thảo.
Những tiết mục tái diễn cảnh bà Lê Hoa đánh giặc, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc.
Mở đầu tiết mục kén rể là phần thi cày trâu trên sân gạch. Trò chơi này đòi hỏi hai người đóng giả trâu và người cày cũng như người dẫn đường phải hết sức thông minh và khéo léo. Ban giám khảo là các bô lão trong làng chấm điểm bằng thẻ.
Tiếp đến là phần thi câu ếch. Theo đó, ngoài kỹ thuật của chàng rể, ban giám khảo sẽ chấm điểm cao cho những “chú ếch” nhảy khỏe, nhảy nhanh.
Ở phần thi cuối cùng là bắt chạch trong chum. Đây là tiết mục hài hước nhất với những pha tranh chấp giữa chàng rể và nô tì.
Kết thúc các phần thi, "chàng rể" thắng cuộc được cùng "nữ tướng" làm lễ vinh quy bái tổ.
Thế Bằng