Các đồng minh đã cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng ngày 24/2. Theo Viện Kinh tế thế giới Kiel, Mỹ và Anh đã cam kết viện trợ quân sự trực tiếp nhiều nhất cho Ukraine trong thời gian từ 24/1 – 3/10. Ba Lan ở vị trí thứ 3 và Cộng hòa Séc thứ 9 trong danh sách các nhà tài trợ cho Kiev.
Tuy nhiên, một số quan chức chính phủ, doanh nghiệp và các nhà phân tích chia sẻ với Reuters rằng, cuộc xung đột cũng mang đến những cơ hội mới cho ngành công nghiệp vũ khí của Đông Âu.
Sebastian Chwalek, Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn quốc phòng quốc doanh PGZ của Ba Lan tiết lộ, doanh nghiệp hiện có kế hoạch đầu tư tới 8 tỷ Zloty (1,8 tỷ USD) trong thập kỷ tới, cao hơn nhiều so với mục tiêu trước xung đột và bao gồm cả việc xây dựng các cơ sở mới nằm cách xa biên giới với Belarus, đồng minh của Nga vì lí do an ninh.
CEO Chwalek nói, PGZ dự kiến sẽ sản xuất 1.000 hệ thống phòng không di động Piorun vào năm 2023, tăng mạnh so với con số 600 hệ thống năm 2022 và 300 - 350 hệ thống trong những năm trước đó. Đến nay, tập đoàn này đã cung cấp các khẩu pháo, súng cối, lựu pháo, áo chống đạn, vũ khí nhỏ, đạn dược cho Ukraine và có khả năng vượt mức doanh thu trước xung đột năm 2022 là 6,74 tỷ Zloty.
Các nhà sản xuất khác cũng đang tăng năng lực sản xuất và chạy đua để thuê công nhân, theo các công ty và quan chức chính phủ của Ba Lan, Slovakia và CH Séc.
Ngay sau khi chiến sự nổ ra, một số quân đội và nhà sản xuất ở Đông Âu đã bắt đầu dọn sạch kho vũ khí và đạn dược từ thời Liên Xô mà người Ukraine đã quen thuộc, trong khi Kiev chờ đợi các thiết bị tiêu chuẩn NATO từ phương Tây. Khi những kho dự trữ đó cạn kiệt, các nhà sản xuất vũ khí đã tăng cường sản xuất cả thiết bị cũ và thiết bị hiện đại để duy trì nguồn cung.
Theo các nguồn tin, Kiev đã nhận các khí tài thông qua hiến tặng của các chính phủ cũng như những hợp đồng thương mại trực tiếp giữa Chính phủ Ukraine với các nhà sản xuất.
Thứ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Séc Tomas Kopecny thống kê, Ukraine đã nhận được lượng vũ khí và trang thiết bị trị giá gần 50 tỷ crown (2,1 tỷ USD) từ các công ty của Séc, với khoảng 95% trong số đó là giao hàng thương mại. Ông Kopecny cho biết, xuất khẩu vũ khí của Séc năm nay sẽ đạt mức cao nhất kể từ năm 1989, với nhiều công ty trong ngành đang tăng thêm việc làm và năng lực.
David Hac, CEO tập đoàn STV của Séc tiết lộ, họ đang có kế hoạch bổ sung dây chuyền sản xuất đạn cỡ nhỏ mới và xem xét mở rộng năng lực sản xuất đạn cỡ lớn. Do thị trường lao động khan hiếm, doanh nghiệp đang cố gắng lôi kéo công nhân từ ngành công nghiệp ôtô đang tăng trưởng chậm lại.