Năm 2024, người lao động được nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày thứ Năm (18/4 dương lịch, tức 10/3 âm lịch).
Mùng 10/3 âm lịch hằng năm được ấn định là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Để nhắc nhở người dân trên mọi miền về ngày Giỗ Tổ, dân gian có câu ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”.
Trân trọng văn hóa truyền thống, lịch sử của dân tộc, Nhà nước ta đã cho phép người lao động được nghỉ 1 ngày dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ về cội nguồn, các Vua Hùng và những bậc tiền nhân.
Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương vào thứ Năm, ngày 18/4/2024. Đây là ngày làm việc trong tuần của người lao động nên lịch nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương chỉ trọn vẹn trong 1 ngày.
Theo Bộ luật Lao động 2019, trong năm 2024, người lao động có 6 dịp nghỉ lễ, tết chính, trong đó ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được nghỉ 1 ngày. Ngoài ra, trong tháng 4 này, người lao động còn được nghỉ nhân dịp ngày Thống nhất 30/4.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trọng thể tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng
Đền Hùng được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, giữa đất Phong Châu, ngày nay là xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Phong Châu là đế đô của nước Văn Lang, từ 40.000 năm trước. Đây là đất Tổ của dân tộc Việt Nam.
Khu Di tích lịch sử Đền Hùng là nơi thờ cúng các vua Hùng đã có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam.
Tương truyền, xa xưa, các vua Hùng lựa chọn nhiều nơi, cuối cùng mới tìm được thánh địa này để đóng đô. Nơi này ở phía trước có sông tụ hội, hai bên có núi chầu hầu. Bãi sông tiện lợi cho sinh hoạt nhân dân. Đất đai màu mỡ thích hợp việc cày cấy, trồng trọt. Đất gò đồi cao thuận lợi việc lập ấp mở làng.
Đền Hùng cách trung tâm thành phố Việt Trì 7km về phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội 90km. Từ Hà Nội, du khách có thể đến Đền Hùng bằng đường bộ theo Quốc lộ 2 hoặc tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai.