Ngày 3/2, thông tin từ khoa Phụ ngoại, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, các bác sĩ mới tiếp nhận, điều trị phẫu thuật thành công khối u buồng trứng ác tính có kích thước 15cm cho bệnh nhân nữ N.T.K, 19 tuổi.
Bệnh nhân chưa lập gia đình, chưa sinh con, tiền sử khỏe mạnh. Hơn một năm nay, chị phát hiện khối u buồng trứng. Gần đây, bệnh nhân thấy đau hạ vị (vùng thấp nhất của bụng dưới rốn), đi khám phát hiện khối u to lên nhiều, kèm dịch.
Kết quả chụp CT-scan vùng chậu có tiêm thuốc cho thấy vùng tiểu khung vị trí trên bàng quang lệch sang trái có khối tổn thương kích thước lớn, ranh giới rõ, bờ không đều có nhiều thùy múi, nhiều mạch tăng sinh, có nhiều vách và phần đặc ngấm thuốc sau tiêm.
Bác sĩ đánh giá khối u bệnh nhân K. có nguy cơ ác tính cao. Gia đình và bệnh nhân lựa chọn phẫu thuật cắt phần phụ một bên sau khi được tư vấn.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện ổ bụng bệnh nhân có dịch đỏ loãng khoảng 200ml, khối u thuộc buồng trứng phải to khoảng 15x15 (cm), không còn phần buồng trứng lành, góc trái khối u đã vỡ dài khoảng 5cm, lộ ra nhiều khối u nhỏ, bên trong có dịch đen nâu.
Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy bệnh nhân bị u túi noãn hoàng, được hội chẩn chuyển điều trị hóa trị liệu tại bệnh viện chuyên khoa.
Những dấu hiệu lạ, chị em cần đi khám ngay
Ung thư buồng trứng là một trong những loại ung thư phụ khoa hay gặp, chỉ đứng sau ung thư cổ tử cung. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.200 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh này. Nhiều nghiên cứu cho thấy hầu hết u túi noãn hoàng đều xuất hiện ở phụ nữ dưới 30 tuổi, rất hiếm thấy ở phụ nữ sau 50 tuổi.
Loại u này thường không có triệu chứng đặc hiệu, thường có khối u to ở hạ vị, không có triệu chứng nội tiết. Nhiều bệnh nhân đến viện với triệu chứng đau bụng dữ dội một bên hố chậu, buồn nôn, nổi cục ở bụng, chướng bụng, sốt, là những dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề về tiêu hóa.
Bệnh tiến triển nhanh nên thời điểm bệnh nhân được chẩn đoán, đa số đều có u kích thước lớn. Một số dấu hiệu cần lưu ý, cảnh giác với ung thư buồng trứng như:
- Cảm giác khó chịu, đau ở vùng bụng dưới
- Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón
- Thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang
- Ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ
- Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân
- Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt
- Đau khi quan hệ tình dục