Trong Báo cáo Chỉ số dịch vụ toàn cầu (GSLI) năm 2021, Hãng tư vấn AT Kearney xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 6 về sức hấp dẫn trong lĩnh vực gia công xuất khẩu phần mềm, sau các điểm đến truyền thống Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Brazil.
Không thể phủ nhận, cơ sở hạ tầng CNTT tại Việt Nam đang được chú trọng đầu tư và phát triển vượt bậc nhằm giúp Việt Nam xuất hiện trên bản đồ công nghệ cao thế giới. Mặt khác, lợi thế cạnh tranh lớn nhất của dịch vụ xuất khẩu phần mềm Việt Nam vẫn chủ yếu nằm ở chi phí nhân công thấp, rẻ hơn đến 20-30% so với các nước Ấn Độ, Đông Âu hay Mỹ Latinh.
Tuy nhiên, những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của các công ty xuất khẩu phần mềm Việt Nam đang được khẳng định không chỉ nằm ở sự tăng trưởng số lượng các khách hàng lớn từ nhiều khu vực, mà còn ở giá trị gia tăng trong từng dự án.
Anh Tony Đào, Giám đốc Khối sản xuất kinh doanh G1 tại CMC Global - thành viên chiến lược của Tập đoàn Công nghệ CMC, nhận định “Sẽ rất khó để nâng tầm giá trị dịch vụ nếu chỉ “đi code thuê”. Trong những năm gần đây, các dự án xuất khẩu phần mềm của Việt Nam và CMC Global nói riêng đang dần chuyển đổi để phá bỏ giới hạn đó, ngày càng mang hàm lượng chất xám cao với hình thức hợp tác có chiều sâu hơn.”
Trước đây, các dự án gia công phần mềm thường chỉ vận hành một chiều, cụ thể là các công ty Việt Nam nhận một "spec" có sẵn và "code theo yêu cầu" từ khách hàng. Sự rập khuôn và thiếu tư duy sáng tạo về lâu dài đang trở thành rào cản rất lớn cho nhân sự Việt khi làm việc cho các công ty xuất khẩu phần mềm vì lo ngại không có cơ hội đào sâu năng lực chuyên môn.
Ở giai đoạn đầu, các công ty Việt Nam làm theo yêu cầu từ phía khách hàng. Tuy nhiên, ở hiện tại, khi Việt Nam dần làm chủ được công nghệ, các công ty này sẽ chuyển mình sang hướng đổi mới, sáng tạo để tư vấn cho khách hàng nhằm tìm các giải pháp tối ưu nhất.
Anh Tony cũng cho biết, thông qua các thực tế các dự án tại CMC Global, có thể thấy nhu cầu hợp tác toàn diện như vậy từ khách hàng quốc tế ngày một tăng cao. Khách hàng sẵn sàng bỏ ra ngân sách lớn hơn để làm việc cùng các đối tác có đủ năng lực để đồng hành từ giai đoạn tư vấn đến triển khai dự án. Anh chia sẻ thêm về một dự án lớn với khách hàng chiến lược đến từ Hàn Quốc: "CMC Global đã đóng vai trò như một đơn vị tư vấn và triển khai toàn diện trong dự án S2K với khách hàng chiến lược từ Hàn Quốc. Chúng tôi tham gia vào phát triển sản phẩm và hệ thống của khách hàng và ứng dụng trên toàn cầu.
Mọi vấn đề phát sinh đều được xử lý và tối ưu hóa dựa trên sự thảo luận tích cực từ hai bên thay vì đi theo một hướng - khách hàng yêu cầu và chúng tôi thực hiện. Khi đó, hơn 1.000 nhân sự của chúng tôi luôn làm việc với tâm thế chủ động để sáng tạo và đóng góp nhiều chất xám cho việc phát triển sản phẩm, giải pháp. Không chỉ gia tăng giá trị thực tế cho dự án, cách vận hành này cũng giúp nguồn nhân lực trẻ phát triển về tư duy sản phẩm và kinh doanh, bên cạnh việc nâng cao kiến thức chuyên sâu về công nghệ phần mềm."
Với cách vận hành dự án mới, nguồn nhân lực trẻ tại CMC Global được phát triển về tư duy sản phẩm và kinh doanh, bên cạnh những kiến thức chuyên sâu về công nghệ phần mềm. |
Với mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng lên đến 150 triệu USD, Đại dự án S2K do CMC Global triển khai hiện đang đứng top đầu trong các dự án xuất khẩu phần mềm lớn nhất Việt Nam, cho thấy tiềm năng phát triển không giới hạn của nguồn nhân lực CNTT nước nhà. Theo kế hoạch, quy mô tuyển dụng của dự án sẽ tiếp tục tăng thêm 1,000 nhân sự trong năm 2022 nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao từ phía đối tác. Đây là mẫu dự án điển hình mà các công ty xuất khẩu phần mềm Việt Nam hướng đến trong tương lai. “Với phong cách làm việc chủ động và sáng tạo, CMC Global cũng kỳ vọng Đại dự án S2K sẽ trở thành môi trường lý tưởng cho nhân sự CNTT Việt Nam học hỏi chuyên sâu về các công nghệ mới nhất và phát triển lâu dài trong sự nghiệp”, anh Tony chia sẻ.
Phạm Trang