Vài năm trước, sau khi tốt nghiệp đại học, Li Junxing quay lại quê nhà, trở thành một nông dân trồng hoa. Những ngày dài diễn ra một cách tuần tự: sáng dậy sớm, ngắm hoa; thu hoạch và đóng gói hoa vào buổi chiều; chất kiện hàng lên xe tải để giao cho khách vào tối muộn.

Li không chắc hoa sẽ đi những đâu. Từ cánh đồng của mình tại Vân Nam, anh bán chúng cho các nhà phân phối trong nước để họ bán cho các cửa hàng hoa, từ đó lại đến tay khách hàng. Anh tưởng tượng những bông hoa xinh đẹp đang trang hoàng cho các ngôi nhà trên toàn quốc. Đó là công việc cha truyền con nối. Tuy nhiên, mọi thứ bị đe dọa khi Covid-19 ập tới.

Covid-19 buộc người nông dân phải thay đổi

Li, 27 tuổi, nhớ chính xác khoảnh khắc khi nghe về đại dịch: hôm ấy là nửa đêm ngày 20/1/2020. Chỉ còn 5 ngày nữa là đến Tết, anh dành cả ngày để thu hoạch hoa, chuẩn bị cho mùa lễ. Khi lướt Douyin, anh thấy người ta nhắc đến một căn bệnh. Li không nghĩ đến vì Vũ Hán cách xa 1.200 dặm, mọi thứ nghe thật xa xôi. Vài ngày sau, tuyết rơi đêm cuối năm. Anh xem đây là dấu hiệu của phước lành.

Tuy nhiên, lệnh phong tỏa nhanh chóng mở rộng. Công ty hậu cần mà Li phụ thuộc phải đóng cửa, tài xế mắc kẹt ở nhà. Không có cách nào giao hàng, Li chứng kiến hoa rớt giá mạnh và không thể bán được. Cuối cùng, hàng trăm ngàn bông hoa trong kho hư hỏng, trở thành rác.

Từng tuần như vậy nối tiếp nhau. Li đếm từng ngày mà anh vẫn còn đủ sức trả tiền thuê đất và duy trì kinh doanh. Cho đến ngày 11/2, anh nhận được tin nhắn từ người bạn cũ, Ao Fenzhen, Giám đốc điều hành một công ty phân phối hoa. JD.com, một trong các nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, đề nghị giúp người nông dân dùng tính năng livestream để tiếp cận khách hàng. Chỉ cần phát sóng trực tiếp vài giờ mỗi ngày trên ứng dụng JD Live để giới thiệu sản phẩm, trả lời câu hỏi của người mua tiềm năng. Việc còn lại sẽ do mạng lưới chuyển phát của JD.com đảm nhận, hãng chỉ lấy một khoản hoa hồng nhỏ.

{keywords}
 

Sức ảnh hưởng của Internet vẫn chưa chạm đến lĩnh vực nông nghiệp. Những người nông dân như Li chỉ lên mạng bằng smartphone, còn việc bán hàng phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Do đó, những tuần đầu Covid-19, họ phải ném đi vô số hàng hóa thối hỏng bất chấp nhu cầu nông sản tăng mạnh.

Giữa lúc nguy khốn, các gã khổng lồ thương mại điện tử lại nhìn thấy một hi vọng. Người nông dân khao khát một kênh bán hàng mới, trong khi người tiêu dùng buộc phải mua sắm qua mạng. Một ngành công nghiệp hoàn toàn mới có thể cất cánh nếu doanh nghiệp hỗ trợ người nông dân.

Cả JD.com và Taobao của Alibaba đều nhanh chóng đưa ra các sáng kiến livestream cho đối tượng này. Họ giúp nông dân và chủ cửa hàng mở các gian hàng trực tuyến, dùng mạng lưới logistics của mình để chuyển sản phẩm trực tiếp từ nông trại đến bàn ăn.

Dù vậy, đây thực sự là một vụ cá cược lớn: livestream tại nông thông đã tồn tại trước đó nhưng không phát triển. Năm 2019, mục tiêu của Taobao là thu hút 1.000 nông dân đến với nền tảng, nhưng hầu hết nông dân không biết cách livestream và số biết được thương mại điện tử là gì còn ít hơn nữa, theo Zhang Guowei, phụ trách JD Live.

Song, áp lực của khủng hoảng và quy mô khách hàng độc nhất vô nhị của Trung Quốc đã mang đến chất xúc tác cần thiết. Tính đến tháng 5/2020, Taobao có hơn 50.000 livestreamer là nông dân, đặt mục tiêu vượt 200.000 trong năm. Những nông dân từng bán 90% nông sản qua kênh truyền thống nay chuyển sang bán 90% qua mạng. Livestream không chỉ giúp ngành nông nghiệp vượt qua “giông bão” mà còn mở ra một lối kinh doanh mới sau khi đại dịch kết thúc.

Cuộc đời thay đổi nhờ livestream

Với Ao, người bạn của Li, dù chưa bao giờ livestream, cô vẫn liên lạc với JD.com và rủ Li tham gia. Tuần đầu tiên của cả hai vô cùng bối rối. Ao mở một gian hàng ảo và viết kịch bản nội dung hàng ngày. Sau đó, Li dùng JD Live để truyền trực tiếp từ cánh đồng của mình. Anh đưa khán giả đi thăm quan nơi trồng hoa, nói về các đặc điểm của mỗi loài và giải thích cách chăm sóc. Li thậm chí còn làm việc chăm chỉ hơn cả trước đây, không có thời gian dành cho vợ con. Tuy nhiên, khi “chốt đơn” thành công 100 đơn hàng trong ngày đầu, anh biết việc đang làm có hiệu quả.

Thông qua sáng kiến của JD, Ao và Li cũng kết nối với các livestreamer nổi tiếng khác để nhờ họ hỗ trợ quảng bá miễn phí. Một buổi phát sóng như vậy đã vượt 1 triệu lượt xem. Họ nhận được nhiều đơn hàng hơn, Li bắt đầu có những người theo dõi riêng. Có lúc, anh còn không có đủ chỗ để xếp đơn hàng. Cuối vụ hoa, anh bán được hàng trăm ngàn bông. Việc kinh doanh của anh và Ao thoát khỏi nguy cơ sụp đổ.

Cách đó 1.000 dặm tại Hải Nam, Wu Zhifang (Wei Wei), một người có tầm ảnh hưởng (influence) trên Taobao Live, cũng gia nhập sáng kiến, nhưng không phải vì bản thân mà vì những người nông dân. Những người nông dân tuyệt vọng liên tục giảm giá xoài, dứa với nỗ lực có thêm người mua… song không thành công. Chưa kể, họ chịu thiệt hại nặng nề khi trái cây không vận chuyển được và thối hỏng. Vì vậy, Wei Wei đã làm điều mình giỏi nhất để giúp đỡ họ. Mỗi ngày, cô đeo khẩu trang và đến một nông trại mới để giới thiệu sản phẩm trong các buổi livestream. Kênh của cô từng dùng để bán đồ ăn vặt, nay chuyển hướng và nhanh chóng đạt hàng chục nghìn người xem. Taobao Live cho phép người xem bấm vào một mặt hàng và được giao trực tiếp về nhà. Phía sau, Alibaba hợp tác với hàng chục doanh nghiệp khác để mở rộng mạng lưới hậu cần, hỗ trợ mặt hàng mới.

Không chỉ vậy, Wei Wei còn hướng dẫn người nông dân sử dụng Taobao Live. Để khuyến khích nông dân livestream, Taobao mỗi tháng một lần lại quảng bá livestream của họ. Với Wei Wei, người mới có 2 năm sự nghiệp livestream, trải nghiệm đã thay đổi cách tiếp cận công việc của cô. Hiện tại, cô dành thời gian đi khắp đất nước và thực hiện 2 đến 3 phiên mỗi tuần và tiếp tục dạy nông dân livestream. Cô nhận ra livestream có ý nghĩa lớn hơn cả việc quảng cáo. Nó có thể mở ra những ngành công nghiệp hoàn toàn mới và thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

Wei Wei không phải là người duy nhất thay đổi cuộc sống từ khi xuất hiện xu hướng nông dân livestream. Người tiêu dùng và người nông dân cũng dần phụ thuộc vào livestream trên mạng. Với nhiều lão nông, nó trở thành nguồn thu nhập chính. Zhu Xi, phụ trách Taobao Rural Livestreaming, cho biết gần 2.000 người tại nông thôn đã có thu nhập hàng tháng hơn 10.000 NDT, gấp 8 lần mức trung bình.

JD.com và Taobao áp dụng nhiều biện pháp để phát triển hơn nữa hình thức thương mại này, như đơn giản hóa quy trình livestream và bán hàng, mở rộng các chương trình đào tạo miễn phí.

Theo báo cáo phát triển Internet từ Trung tâm thông tin mạng lưới Internet Trung Quốc, đến cuối năm 2020, thương mại điện tử bao phủ tất cả 832 quận nghèo. Doanh số bán lẻ trực tuyến tại nông thôn đạt 1,79 nghìn tỷ NDT (277 tỷ USD) năm 2020, tăng từ 180 tỷ NDT năm 2014. Các hình thức mua sắm mới, bao gồm livestreaming và thương mại điện tử, không chỉ mang đến lợi ích cho khách hàng mà còn thúc đẩy doanh số nông sản chất lượng cao. Trong cùng kỳ, khoảng 309 triệu người, tương đương 31,3% dân mạng Trung Quốc, sống tại vùng sâu vùng xa, nơi tỉ lệ tiếp cận Internet ở mức 56%.

Du Lam  

Sendo Farm sẽ đưa nông sản của nông dân đến tận tay hàng chục triệu người dùng

Sendo Farm sẽ đưa nông sản của nông dân đến tận tay hàng chục triệu người dùng

Sen Đỏ, sàn thương mại điện tử thuộc tập đoàn FPT, vừa tung thử nghiệm mô hình đi chợ kiểu mới, với hàng hoá được lấy từ nguồn do Sen Đỏ đảm bảo.