Cuối tuần trước, OnePlus đánh dấu chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam bằng buổi ra mắt online hai sản phẩm mới nhất của hãng. Ngay trong sự kiện, CEO của chuỗi bán lẻ độc quyền phân phối OnePlus công bố chương trình giảm giá 20-30%, chỉ áp dụng cho 800 máy trong vòng 30 phút.
Theo công bố, có 800 smartphone được bán ra trong vòng 29 phút. Như vậy trong vòng nửa giờ, nhà bán lẻ đã đạt doanh thu gần 9,9 tỷ đồng. Chương trình bán hàng và cho đặt trước hai máy của OnePlus vẫn kéo dài sau đó, tuy nhiên không còn giảm giá 20-30%.
Nhiều video livestream bán hàng trên một nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam. (Ảnh: Hải Đăng) |
Trước đây, các sự kiện công nghệ tại Việt Nam thường cho khách đặt hàng vào ngày hôm sau và không có chương trình giảm giá nhanh trong thời gian nhất định (flash sale) như trên. Cú bắt tay của OnePlus và nhà bán lẻ lần này có thể xem là sự kiện livestream kết hợp ra mắt sản phẩm và bán hàng chính thức đầu tiên trong ngành smartphone hiện tại.
Xu hướng livestream (phát video trực tiếp) để bán hàng không mới, nhưng việc một CEO có vị thế đứng ra bán hàng chỉ xuất hiện thời gian gần đây. Cách đây 2 tuần, ông Lei Jun, CEO Xiaomi, trong 2 tiếng đồng hồ livestream đã thu về hơn 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 338 tỷ đồng).
Trước đó, nữ chủ tịch hãng Gree livestream bán được 43,7 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng) tiền hàng. Một số CEO mảng du lịch, trang trí nội thất tại Trung Quốc cũng theo trào lưu này, thu về hàng triệu USD.
Do đã quen với ngành công nghiệp này, các CEO công ty Trung Quốc thực sự bán hàng trong video phát trực tiếp. Trường hợp của OnePlus tại Việt Nam mới đây chỉ dừng lại ở việc phát video có sẵn, nhưng cũng mở bán ngay sau tuyên bố của CEO nhà bán lẻ trong khi sự kiện đang diễn ra và được dàn dựng công phu như buổi phát theo thời gian thực.
Tại Việt Nam, các video bán hàng trực tiếp dễ thấy nhất xuất hiện trên mạng xã hội. Không đứng ngoài cuộc chơi này, các nền tảng thương mại điện tử như Lazada, Shopee cũng nhảy vào và tạo được thói quen nhất định cho khách hàng mua sắm qua kênh này. Các kênh livestream của nền tảng thương mại điện tử không chỉ dừng ở việc bán hàng mà còn có thêm các nội dung tư vấn, giải trí nhằm thu hút người xem.
Đặc biệt trong giai đoạn Covid-19, người dân ở nhà nhiều hơn nên càng dành nhiều thời gian cho các nội dung trực tuyến.
Trong thời gian từ ngày 25/7 đến 20/8, Lazada thống kê có tổng cộng gần 3.000 tập livestream thực hiện bởi các nhà bán hàng và các thương hiệu trên nền tảng này, thu hút hơn 3 triệu lượt xem và đạt được gần 10.000 đơn hàng. Song song đó, có gần 2 triệu lượt xem các chương trình livestream giải trí tại nhà của Lazada.
Tương tự, tổng thời thượng livestream trên Shopee của tháng 4 tăng 70% so với tháng 2. Rất nhiều nhà bán hàng và người dùng bắt đầu quen với xu hướng bán hàng kiểu mới.
Ngoài nhóm người dùng từ 18 đến 34 tuổi hoạt động nhiều nhất trên nền tảng livestream, Shopee cũng nhận thấy sự tăng trưởng về lượng người xem ở độ tuổi 34 đến 50.
Livestream giúp việc tương tác giữa khách và người bán tốt hơn, đồng thời người dùng nhìn được sản phẩm ở nhiều góc độ hơn. Bên cạnh đó, hình thức bán hàng này lại không tốn nhiều chi phí, và không có trở ngại nào cho khách tham gia.
Theo iiMedia Research, ngành công nghiệp livestream mang khoảng 61 tỷ USD về cho nước này năm 2019. Dự báo năm 2020 có thể lên tới 129 tỷ USD do ảnh hưởng của Covid-19.
Năm 2019 có 504 triệu người xem video phát trực tiếp ở đất nước tỷ dân. iiMedia Research dự báo con số có thể tăng lên 526 triệu người trong năm nay.
Hải Đăng
Hãng mỹ phẩm vô danh thành đại gia nhờ livestream
Với các nhóm chat, livestream và giá bán thấp, Perfect Diary từ hãng mỹ phẩm vô danh thành tên tuổi lớn, chỉ đứng sau LVMH và L'Oreal tại Trung Quốc.