Bộ KHCN đã bãi bỏ, Bộ Tài chính lại muốn lùi
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Khoa học Công nghệ đề nghị lùi thời hạn có hiệu lực của toàn bộ Thông tư 11/2022/TT-BKHCN bởi lo có khoảng trống trong quá trình áp dụng tính thuế với ngành ô tô.
Bộ Tài chính cho biết đã nhận được Thông tư số 11/2022/TT-BKHCN ngày 10/8/2022 bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ KHCN ban hành về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.
Trong đó, có bãi bỏ Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN quy định phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô, Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 về sửa đổi bổ sung Quyết định 28 và Thông tư 05/2012/TT-BLKHCN ngày 12/3/2012 quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu.
Các quy định này là căn cứ pháp lý để áp dụng chính sách thuế nhập khẩu đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô tại các Nghị định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Lý giải việc này, Bộ Tài chính cho hay, việc bỏ quy định về mức độ rời rạc nêu trên có thể dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu bộ linh kiện ô tô đồng bộ nhưng có mức độ rời rạc thấp, không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền, thiết bị để gia tăng tỷ lệ nội địa hoá trong nước.
Đồng thời, việc này sẽ phát sinh vướng mắc cho quá trình thực hiện vì quy định về mức độ rời rạc của bộ linh kiện cũng đang được quy định tại các nghị định của Chính phủ liên quan đến Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi để làm cơ sở tính thuế và các nghị định này vẫn đang có hiệu lực.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, quy định về mức độ rời rạc của bộ linh kiện ô tô nhập khẩu của Bộ KHCN là căn cứ để thực hiện phân loại bộ linh kiện CKD. Từ việc xác định đó là bộ linh kiện CKD hay chưa đủ điều kiện rời rạc để làm CKD thì sẽ áp dụng thuế nhập khẩu linh kiện theo mức từ 12-14% hay là áp dụng thuế của sản phẩm xe ô tô nguyên chiếc.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ KHCN lùi thời hạn có hiệu lực của Thông tư 11/2022/TT-BKHCN đến sau ngày nghị định mới của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực thi hành. Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng để trình Chính phủ trong tháng 10/2022.
Phương án khác, Bộ Tài chính đề nghị Bộ KHCN lùi thời hạn có hiệu lực việc bãi bỏ quy định về mức độ rời rạc của bộ linh kiện ô tô nhập khẩu đang được quy định tại Thông tư 05/2012/TT-BKHCN đến sau ngày nghị định của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực thi hành.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, Bộ KHCN muốn bãi bỏ hoàn toàn các văn bản kể trên là bởi các căn cứ pháp lý của những văn bản này đã hết hiệu lực, tức là không có căn cứ pháp lý. Thậm chí, tuy hết hiệu lực từ năm 2014 nhưng tới tận tháng 8/2022, Bộ KHCN mới bãi bỏ hiệu lực của các văn bản này.
Còn Nghị định 122/2016/NĐ-CP, do Bộ Tài chính soạn thảo hồi năm 2016 và sau này là Nghị định 57/2020/NĐ-CP, vẫn có những điều khoản dựa vào 3 quyết định của Bộ KHCN, trong khi 3 văn bản này đã hết căn cứ pháp lý tồn tại.
Doanh nghiệp góp ý gì?
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý cho dự thảo Nghị định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Công ty TNHH Thaco Auto cho rằng: Đề xuất của Bộ Tài chính chưa thật sự tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi để DN sản xuất, lắp ráp ô tô duy trì và tạo động lực phát triển sản xuất trước tình hình cạnh tranh đối với xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN đã giảm về 0% từ ngày 1/1/2018. Trong tương lai gần, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước Nhật Bản, Mexico và EU về Việt Nam cũng tiếp tục giảm về 0% theo hiệp định CPTPP và EVFTA.
Theo các DN ô tô, công nghệ sản xuất ô tô ngày càng phát triển, các tính năng và linh kiện trên ô tô ngày càng mới, hiện đại và chiếm tỷ trọng giá trị lớn so với giá trị của chiếc xe, đặc biệt đối với các dòng xe du lịch cao cấp, xe điện hóa (xe hybrid, xe hybrid sạc ngoài, xe điện chạy pin,... ).
Ngoài ra, ngành công nghiệp ô tô đang bước sang giai đoạn chuyển đổi quan trọng từ công nghiệp ô tô truyền thống (sử dụng phần lớn linh kiện cơ khí, nhiên liệu hóa thạch phát thải khí nhà kính) sang công nghiệp ô tô thông minh, ô tô điện (sử dụng linh kiện điện tử có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường). Điều này dẫn đến sự thay đổi lớn trong cấu thành xe ô tô điện, như không còn bộ ly hợp và thậm chí có thể không có hộp số.
Thực tiễn trên đòi hỏi mô tả mức độ rời rạc của ô tô tùy vào công nghệ, chuỗi sản xuất và cung ứng linh kiện, thị trường tiêu thụ,... của từng hãng xe là hoàn toàn khác nhau. Các doanh nghiệp bắt buộc phải đầu tư trang thiết bị, dây chuyền, công nghệ để chuyển mình theo sự thay đổi đó.
Ô tô là sản phẩm được lắp ráp với hơn 30.000 chi tiết. Các DN ô tô trong nước muốn được bãi bỏ các quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu, tức cơ quan quản lý không can thiệp, quy định cứng về quy cách, số lượng, mức độ rời rạc,... Như vậy, DN cũng được miễn giảm những khoản thuế không còn phù hợp với thực tiễn.
Từ đó, giúp các DN tập trung nhiều nguồn lực hơn vào việc sản xuất các linh kiện, phụ tùng có lợi thế cạnh trong trong chuỗi cung ứng của từng hãng, hướng đến mục tiêu tự chủ được hoàn toàn công nghệ sản xuất ô tô nhanh hơn, tăng cao tỷ lệ nội địa hóa của ô tô sản xuất trong nước, đạt được các mục tiêu Chính phủ đề ra đối với ngành công nghiệp ô tô.
“Chúng tôi đã tính toán và thấy, việc bỏ quy định mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu (điều kiện bắt buộc để hưởng Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất lắp ráp xe ô tô) không làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, ngược lại còn giúp gia tăng sản lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước. Qua đó, gián tiếp tăng thu ngân sách, tương tự chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước vừa qua”, đại diện Thaco Auto nhận định.