Tiếp tục đề xuất lùi lộ trình thực hiện
So với phiên bản 1.0 Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018 của Bộ trưởng Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử, tại phiên bản 3.3 được lấy ý kiến tại một hội thảo hôm 6/12, Bộ Y tế tiếp tục đề xuất lùi lộ trình thực hiện bệnh án điện tử.
Theo đó, ở phiên bản 1.0, lộ trình thực hiện bệnh án điện tử dự kiến như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Tuy nhiên, ở phiên bản 3.3, lộ trình cụ thể là: Đến ngày 31/12/2026, các bệnh viện, viện có giường bệnh từ tuyến tỉnh trở lên phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị. Đến ngày 31/12/2030, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.
Như vậy, so với Thông tư 46/2018, lộ trình này được lùi thời hạn khá xa. Trong Thông tư 46, Bộ Y tế nêu rõ đến hết năm 2023, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Còn tới giai đoạn từ năm 2024-2028, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trường hợp chưa thực hiện được phải báo cáo Bộ Y tế, sở y tế, nêu rõ lý do, lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nhưng phải hoàn thành trước ngày 31/12/2030.
Bệnh án điện tử được Bộ Y tế đánh giá là cốt lõi và điểm khởi đầu cho mọi nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi từ bệnh án - hồ sơ giấy sang dữ liệu điện tử (bệnh án điện tử, y bạ điện tử) hiện được đánh giá là "rất chậm".
Mới gần 60 bệnh viện chính thức bỏ bệnh án giấy, chuyển sang điện tử
Việt Nam có khoảng 1.300 cơ sở khám, chữa bệnh, với khoảng 135 bệnh viện hạng I trở lên. Theo dữ liệu cải cách hành chính từ website Bộ Y tế, đến đầu tháng 12, cả nước mới có gần 60 cơ sở y tế chính thức công bố chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử. Con số này gồm cả công lập và tư nhân.
Các bệnh viện công lập mới nhất công bố chuyển sang dùng bệnh án điện tử là Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), Phổi Yên Bái, Mắt Phú Thọ, Nhi Thái Bình.
Trong số gần 60 cơ sở y tế này, khoảng một nửa là cơ sở tuyến huyện, riêng tỉnh Phú Thọ có đóng góp 11 trung tâm y tế huyện. Không nhiều bệnh viện hạng 1, đặc biệt chưa có bệnh viện nào hạng đặc biệt (như Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Quân đội 108, Trung ương Thái Nguyên, Trung ương Huế) chính thức chuyển sang bệnh án điện tử.
Về địa phương, Quảng Ninh thuộc top 2 địa phương có số cơ sở công lập dùng bệnh án điện tử nhiều nhất cả nước, chỉ sau Phú Thọ (17 cơ sở). Chiều 6/12, Trung tâm Y tế Móng Cái (Quảng Ninh) là cơ sở y tế tuyến huyện tiếp theo được thẩm định và thông qua bệnh án điện tử. Hà Nội mới có 4 bệnh viện chính thức công bố triển khai bệnh án điện tử trên tổng số hơn 40 bệnh viện công lập trực thuộc.
Đề xuất cắt giảm một số tiêu chí đánh giá tính đáp ứng về bệnh án điện tử
Trao đổi với VietNamNet ngày 8/12, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế quốc gia Bộ Y tế, cho biết ngoài các bệnh viện chính thức bỏ bệnh án giấy chuyển sang dùng bệnh án điện tử, trên cả nước hiện có hàng chục bệnh viện đã triển khai theo từng phần, từng giai đoạn của bệnh án điện tử.
"Nhiều bệnh viện dù đã số hóa dữ liệu, thông tin, bệnh án, nhưng do chưa đáp ứng hết các tiêu chí, điều kiện bệnh án điện tử theo quy định nên chưa công bố chính thức chuyển", ông nói. Vị lãnh đạo này cho biết thêm rằng trong số này có nhiều bệnh viện trung ương như Phổi, Việt Đức...
PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam, chia sẻ nếu bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, bỏ được bệnh án giấy, đã được coi là chuyển đổi số thành công đến 70%. 30% còn lại đến từ việc ứng dụng thêm các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ cao…
Tuy nhiên, tại Việt Nam, chuyển đổi số y tế gặp nhiều khó khăn, trong đó hạ tầng công nghệ thông tin tại nhiều bệnh viện thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được triển khai bệnh án điện tử. Ngoài ra, còn thiếu tiêu chuẩn và hướng dẫn, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin y tế.
Đồng tình quan điểm này, ông Nam cho hay nhiều bệnh viện gặp khó do mức kinh phí đầu tư cho chuyển đổi số, bệnh án điện tử khá lớn, trong khi hiện thiếu cơ chế tài chính cho công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai bệnh án điện tử nói riêng. Thay vì các yếu tố này được tính vào cấu phần giá dịch vụ y tế thì hiện nguồn lực đầu tư phải được bù đắp từ các nguồn khác, bệnh viện thiếu chủ động.
Từ những khó khăn trên, ông Nam cho biết dự thảo sửa đổi Thông tư 46 và Thông tư 54/2017 của Bộ Y tế ngoài đề xuất lùi thời hạn thực hiện bệnh án điện tử thì cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế còn đề xuất cắt giảm một số tiêu chí đánh giá tính đáp ứng về bệnh án điện tử của bệnh viện.
Hồ sơ bệnh án điện tử có nhiều ưu điểm vượt trội so với bệnh án giấy truyền thống. Các quy trình được số hóa toàn bộ, không cần dùng giấy tờ, sổ sách; dữ liệu được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương hồ sơ bệnh án giấy.
Ngoài ra, mọi thông tin sức khỏe của người bệnh, thông tin tiền sử của người bệnh khi đã đến điều trị tại bệnh viện được lưu giữ đầy đủ, góp phần rút ngắn thời gian khám và điều trị bệnh. Tất cả đều bảo đảm an toàn, bảo mật; bác sĩ có thể nhanh chóng truy cập bệnh án đầy đủ và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Bệnh án điện tử còn giúp việc báo cáo, thống kê được thuận lợi, chính xác.