Việt Nam là một trong những quốc gia trồng cà phê lớn trên thế giới. Song, cà phê Robusta chiếm diện tích và sản lượng lớn, được trồng nhiều ở Tây Nguyên. Còn dòng Arabica sản lượng không đáng kể và cũng ít người biết Sơn La là "thủ phủ" loại cà phê này.
Mới đây, trò chuyện với báo chí về cà phê Sơn La, ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết tại Sơn La cà phê Arabica được trồng trên vùng núi của huyện Mai Sơn. Trước đây, người Pháp mang cây cà phê tới trồng ở vùng đất này. Đến nay, đây cũng là vùng đất trồng cà phê Arabica cho chất lượng ngon số 1 Việt Nam.
“Muốn có hạt cà phê Arabica ngon, tôi còn phải nhờ người tìm mua trên Sơn La”, ông nói. Theo ông Dương, cà phê Arabica chín không đều, người nông dân phải hái từng quả rồi đem phơi dưới nắng cho đến khi khô. Khi đó, hạt cà phê có chất lượng ngon, đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.
“Loại hạt này muốn mua phải đặt hàng trước mới có, giá bán không hề rẻ. Trên thị trường, loạt có giá rẻ nhất đã 250.000 đồng/kg. Hiện có doanh nghiệp đặt nhà máy sản xuất trên Sơn La. Cà phê Arabica của họ đang bán giá từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg. Chất lượng rất tốt”. Ông Dương nhấn mạnh và khẳng định, nếu so với cà phê Arabica của châu Phi thì hàng của mình không hề thua kém về chất lượng.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, chia sẻ trong một lần tới Sơn La ông đã phát hiện nơi đây có một vùng trồng cà phê Arabica rất rộng lớn, cho chất lượng ngon, hạt đồng đều. Sau đó, ông liền đầu tư xây dựng nhà máy chế biến.
Việc phát triển cà phê chất lượng giúp người nông dân bán được giá tốt. Có thời điểm, người nông dân bán được 15.000 đồng/kg hạt tươi. Trên thị trường, cà phê chế biến của Sơn La có giá bán ngang với dòng Honduras của Nam Mỹ, cao hơn rất nhiều so với các dòng cà phê nội địa Việt Nam, ông chia sẻ.
Với hơn 20.000 ha cà phê Arabica, Sơn La trở thành tỉnh có diện tích trồng loại cà phê này lớn nhất ở nước ta. Trong đó, có gần 18.000 ha cà phê được cấp chứng nhận bền vững và tương đương.
Sản lượng cà phê Arabica Sơn La đạt trên 204.000 tấn quả tươi, giá trị thu từ bán sản phẩm quả tươi ước đạt trên 2.000 tỷ đồng/năm, tạo thu nhập ổn định cho người trồng cà phê.
Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao (Sơn La) cho biết, từ năm 2017, ông đã liên kết với nhiều hộ dân trồng cà phê Arabica (cà phê chè) để thành lập HTX.
Theo đó, các thành viên của HTX và các hộ liên kết đều áp dụng quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, UTZ, xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh chất lượng cao, canh tác hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ, từng thửa ruộng được đánh số để dễ dàng truy xuất nguồn gốc...
Việc thu hoạch được tiến hành bằng phương pháp hái chọn lọc, đảm bảo 100% là cà phê chín đỏ. Quá trình phơi hạt cà phê phải được giám sát chặt chẽ, cào đảo liên tục để ngăn ngừa sự phát triển của nấm mốc gây hư hỏng do độ ẩm cao…
Cà phê nhân sau đó được chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau. Theo đó, sản lượng cà phê đặc sản làm hàng xuất khẩu của HTX đã lên đến 97%, lượng còn lại phục vụ nội địa. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Đức, Pháp, Mỹ…
Giá cà phê Arabica đặc sản xuất khẩu lên đến 230.000–270.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với xuất khẩu cà phê thô. Doanh thu của HTX đạt khoảng 40 tỷ đồng/năm, ông Thao chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Phương ở Chiềng Ban (Mai Sơn) khoe, gia đình chị trồng 1 ha cà phê Arabica. Nếu được mùa sẽ cho thu khoảng 30 tấn quả. Giá bán chỉ cần 12.000 đồng/kg, chị đã thu về 360 triệu đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, cà phê Arabica Sơn La từ lâu đã nổi tiếng thơm ngon, xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Việc này góp phần vào kim ngạch xuất khẩu cả phê cả nước.
Ông mong muốn thời gian tới, Sơn La sẽ tập trung đầu tư, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến nông sản theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững. Đồng thời, tiếp cận “kinh tế trải nghiệm”, gắn kết tài nguyên bản địa với trải nghiệm văn hóa, lịch sử địa phương để khi thưởng thức cà phê Sơn La, mọi người sẽ cảm nhận được hương vị núi rừng Tây Bắc.
Tỉnh Sơn La đang phấn đấu nâng diện tích cà phê Arabica lên 25.000 ha trong thời gian tới đây. Diện tích này sẽ cho sản lượng 40.000-50.000 tấn hạt mỗi năm, giá trị khoảng hơn 3.000-4.000 tỷ đồng.