Khoảng 2 tuần nay, dâu tây hay còn gọi là dâu hana trồng ở Sơn La “phủ sóng” khắp các chợ online lớn nhỏ. Loại quả chín đỏ, căng mọng này có giá khá đắt đỏ so với mặt bằng giá trái cây trên thị trường hiện nay.
Sáng thứ 2, sau khi chia lô dâu tây hơn 30kg theo đơn hàng đã đặt trước để giao cho khách, chị Lê Thị Hải Bình (đầu mối bán trái cây online tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại lên chợ online đăng bán dâu hana chuyến mới, dự kiến trả hàng vào ngày thứ 4.
Chị Bình cho biết, dâu tây Sơn La mới chớm vụ thu hoạch, nguồn cung chưa nhiều nên giá rất cao. Đơn cử, loại dâu tây bi chị bán hiện có giá 350.000 đồng/kg. Mức giá này gấp khoảng 4-5 lần so với thời điểm rộ vụ trước đó. Còn các loại dâu nhỡ, dâu cỡ đại... dịp này chị không nhập hàng do quá hiếm, giá rất đắt đỏ lại kén khách mua ăn.
“Hiện dâu hana ở các vườn mới chỉ chín điểm nên tôi phải xếp hàng chờ mua. Một tuần hàng về được 2 chuyến với số lượng vài chục cân mỗi lần”, chị nói. Chính vụ thu hoạch dâu tây trước đó, hàng về đều đặn theo ngày với số lượng 1-1,5 tạ tuỳ vào lượng đơn khách đặt. Cao điểm, chị bán hết 2 tạ dâu tây một ngày.
Theo đó, các loại dâu tây Sơn La có giá phổ biến từ 300.000-500.000 đồng/kg tuỳ kích cỡ. Với hàng loại A có giá 600.000-750.000 đồng/kg, loại dâu đặc biệt giá gần 1 triệu đồng/kg.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc HTX dâu tây Xuân Quý ở Mai Sơn (Sơn La), cho biết HTX có khoảng 60ha dâu tây. Các đồi dâu đều được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Mùa dâu tây chín bắt đầu từ tháng 11 và kéo dài cho đến tháng 4 năm sau.
Khi rộ vụ thu hoạch, một ngày HTX có thể thu hái 5-8 tấn, thậm chí đến cả chục tấn dâu chín. Lượng dâu này được HTX phân loại, đóng hộp rồi đổ sỉ vào các siêu thị, hệ thống cửa hàng nông sản, chợ đầu mối ở miền Bắc và TP.HCM.
“Nhưng dịp này mới chỉ bắt đầu vào vụ, sản lượng thu hoạch khoảng 50-100kg mỗi ngày”, ông nói. Do số lượng dâu chín chưa nhiều nên ông Nam chỉ đủ hàng đổ sỉ cho một chuỗi cửa hàng nông sản tại Hà Nội với giá bán xô 300.000 đồng/kg. Các mối sỉ khác ông đành từ chối vì dâu chín không kịp.
Theo ông Nam, số lượng dâu tây chín sẽ tăng dần theo ngày, giá cũng hạ nhiệt khi nguồn cung dồi dào.
Tại nương dâu rộng 3ha ở Mai Sơn, chị Đinh Thị Tuyến, thừa nhận, dâu tây chín chưa nhiều, 3 ngày chị mới được thu hái một đợt để xuất bán cho các đầu mối sỉ ở Hà Nội. Đổi lại, giá dâu tây đầu mùa rất cao, hái không kịp bán.
“Khách cũ từ vụ trước dạo này đều liên hệ đặt mua dâu nên tôi phải giao hàng theo thứ tự khách sỉ đặt”, chị nói.
Chị Tuyến chia sẻ, tầm này năm ngoái giá dâu tây cũng rất đắt đỏ, đến giữa mùa giá hạ nhiệt. Kết thúc mùa dâu chín, gia đình chị thu được hơn 3 tỷ đồng, trừ đi chi phí lãi gần 1 tỷ đồng.
Năm nay, để kéo dài thời gian thu hoạch, tránh lúc rộ vụ dâu tây dội chợ giá bán rẻ, chị Tuyết và nhiều bà con ở huyện Mai Sơn chọn trồng theo kiểu gối vụ.
Thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, toàn tỉnh hiện có trên 400 ha dâu tây, sản lượng ước đạt trên 3.500 tấn quả tươi. Theo đó, cây dâu tây thường được trồng trên những triền đồi thoai thoải, trải rộng mênh mông ở các huyện Mộc Châu, Mai Sơn và Yên Châu. Một ha dâu tây nếu được mùa, được giá cho thu khoảng trên dưới 1 tỷ đồng.