Sâm Ngọc Linh được ví như “quốc bảo” của Việt Nam với giá đắt đỏ. Thế nhưng điều bất ngờ là rất nhiều củ sâm Ngọc Linh được rao bán trên mạng xã hội cũng như những sàn thương mại điện tử với giá siêu rẻ.

Sâm Ngọc Linh bản địa đắt gấp 100 lần "sâm mạng"

Dạo một vòng trên sàn thương mại điện tử, tìm kiếm từ khóa “củ sâm Ngọc Linh tươi”, hàng ngàn kết quả được hiển thị.

Điều đáng chú ý, nơi các shop đặt trụ sở chủ yếu ở các địa phương như Gia Lai, Lai Châu, TP.HCM, Thanh Hóa… Rất hiếm cửa hàng có địa chỉ tại "thủ phủ" của sâm Ngọc Linh là Quảng Nam hay Kon Tum. 

Bất ngờ hơn, nhiều củ sâm Ngọc Linh tươi được rao giá chỉ 780.000 đồng/kg (với 10-20 củ). Hay 6 củ/1kg với giá hơn 1,2 triệu đồng.

W-anh-sam-1.jpeg
Tìm kiếm từ khóa “củ sâm Ngọc Linh tươi”, hàng ngàn kết quả được trả lại với giá cực rẻ

Trong khi trên thực tế, giá sâm Ngọc Linh tươi tại núi Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) dao động từ 60 triệu đồng đến 160 triệu đồng/kg tùy theo loại.

Với lá sâm Ngọc Linh dao động 10-12 triệu đồng/kg, hoa sâm 15-17 triệu đồng/kg, hạt sâm có giá 80-100 triệu đồng/1.000 hạt.

Sâm Ngọc Linh giá rất đắt, do đó nhiều loại củ như tam thất, sâm Trung Quốc có bề ngoài rất giống với “quốc bảo” được trà trộn vào thị trường, nhằm nâng giá sản phẩm để bán trục lợi.

Xử lý sâm giả, cảnh báo người mua 

Nhằm tăng cường quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh này vừa có công văn yêu cầu các sở ngành, địa phương điều tra, xử lý nghiêm.

Theo đó, để chấn chỉnh tình trạng quảng cáo, mua bán các sản phẩm sâm Ngọc Linh giả, không rõ nguồn gốc trên các nền tảng mạng xã hội, đồng thời tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở ngành, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh trên địa bàn.

W-anh-sam-nl-1-1.jpeg
Sâm Ngọc Linh hiện nay chủ yếu được thẩm định qua kinh nghiệm

Trước mắt, cần tập trung ngăn ngừa các hành vi quảng cáo, mua bán sản phẩm sâm Ngọc Linh giả trên các mạng xã hội và tăng cường hoạt động kiểm tra nguồn gốc xuất xứ sâm Ngọc Linh củ.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xử lý, đề nghị xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng tên miền "samngoclinh" để rao bán các sản phẩm sâm củ và các sản phẩm khác từ sâm gắn với thương hiệu sâm Ngọc Linh theo đúng các quy định về sở hữu trí tuệ.

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho biết, để phân định được sâm Ngọc Linh hiện tại chủ yếu nhìn bằng kinh nghiệm của những người dân địa phương. Những người này đã ăn ở với sâm Ngọc Linh hàng chục năm nên việc nhìn vào ngoại hình có thể phân định được giả và thật.

“Khách hàng có thể mua sâm tại phiên chợ sâm Ngọc Linh diễn ra hàng tháng tại huyện Nam Trà My. Tại đây, huyện sẽ đảm bảo về chất lượng sâm Ngọc Linh trước khi vào phiên chợ. Những củ sâm bị nghi ngờ sẽ được đưa đi kiểm định, xét nghiệm gen”, ông Dũng nói.

Trên thị trường online, ông Dũng cho biết, huyện vừa xây dựng sàn thương mại điện tử chuyên quảng bá về sâm Ngọc Linh và các sản phẩm dược liệu, nông sản đặc trưng.

W-anh-samnl2-1-1.jpeg
Phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức mỗi tháng tại huyện Nam Trà My

Sàn thương mại hoạt động tại 3 tên miền gồm: phienchosam.quangnam.gov.vn; phienchosam.vn; phienchosam.com.vn. Tại đây, nhiều công ty, hộ gia đình về sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện được đăng tải sản phẩm kèm theo giá cả niêm yết và thông tin của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ sản xuất sâm, dược liệu, nông sản để giao thương trên môi trường điện tử.

"Những doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ sản xuất sâm này sẽ được địa phương sẽ kiểm tra thường xuyên, cả có kế hoạch và bất ngờ. Điều này nhằm giúp khách hàng tiếp cận được mặt hàng sâm Ngọc Linh chất lượng”, ông Dũng cho hay.

Nhiều vụ việc bị bắt vì buôn bán sâm giả

Thượng tá Hà Thế Xuyên, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Quảng Nam) cho biết, hiện chưa có quy chuẩn xác định sâm Ngọc Linh, cho nên không biết sâm thật, giả hoặc có nguồn gốc từ nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Xuyện cũng thông tin, trong 9 tháng vừa qua, công an tỉnh đã khởi tố 1 vụ với 1 bị can về tội trốn thuế liên quan đến sâm Ngọc Linh; khởi tố 1 vụ với 2 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan lừa đảo bán hạt sâm Ngọc Linh; xử phạt hành chính 2 vụ bán sâm không rõ nguồn gốc, xử phạt liên quan trốn thuế tại 3 công ty tại huyện Nam Trà My.

Để thắt chặt hơn việc mua bán sâm Ngọc Linh giả, hai địa phương Quảng Nam và Kon Tum đã có những động thái bắt giữ, khởi tố các đối tượng liên quan.

Tháng 3/2021, Cục Quản lý thị trường Kon Tum đã phối hợp với Công an huyện Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) đã bắt vụ vận chuyển các loại củ giống sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Cơ quan chức năng phát hiện 3 thùng xốp. Trong đó có 2kg củ và 12kg lá. Trong 3 thùng xốp còn có 2 củ lớn (kèm lá) nặng gần 300gam/củ và các củ nhỏ.

Chủ xe khai báo, toàn bộ củ trên là tam thất, được chuyển từ các tỉnh phía Bắc đưa vào huyện Đắk Tô để mạo giả sâm Ngọc Linh Kon Tum nhằm tiêu thụ.

Diệu Thùy và nhóm PV, BTV