Từ khoảng năm 2017, từng có một nhóm chuyên gia độc lập công bố bảng xếp hạng đối với 49 trường đại học Việt Nam.
Đến năm 2020, nhóm nghiên cứu khác của ĐH Quốc gia Hà Nội dưới sự tài trợ của Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT chủ trì, cũng công bố kết quả xếp hạng đối sánh và gắn sao lần đầu tiên cho 30 cơ sở giáo dục Việt Nam và ASEAN, có tên UPM.
Mới đây, VNUR (Viet Nam’s University Rankings) ra mắt và được xem là bảng xếp hạng các trường đại học của Việt Nam đầu tiên được công bố trong lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, mức độ tin cậy cũng như “tuổi thọ” của các bảng xếp hạng này là điều còn bỏ ngỏ.
Trao đổi với VietNamNet, TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho hay thực tế việc xếp hạng đại học đã được thế giới làm từ lâu nhằm đáp ứng nhu cầu so sánh tương đối giữa các cơ sở giáo dục đại học, giúp các đối tượng khác nhau ra các quyết định nhất định.
Mỗi một bảng xếp hạng sẽ có mục đích khác nhau. “Thường các bảng xếp hạng xuất phát từ mục đích gì thì sẽ quyết định kết quả tương ứng”.
Cũng theo ông Phương, vì thế, mỗi một đối tượng, hoàn cảnh sẽ có những cách nhìn nhận những bảng xếp hạng khác nhau. “Ví dụ, có thể học sinh muốn có, nhưng các trường thì chưa hẳn. Bởi khi kết quả xếp hạng lệch đi khỏi ý tưởng của trường thì điều đó không hẳn là hay”.
TS Phương chia sẻ, việc đưa ra các bảng xếp hạng thường vấp phải câu chuyện “nhằm mục đích gì và sử dụng dữ liệu nào”. “Một điểm vướng nữa ở Việt Nam là khi một kết quả đưa ra mà không phù hợp với ý định của một đối tượng nào đấy thì ngay lập tức bị chê, cho rằng là sai”.
Theo ông Phương, cho đến nay, dù đã có những bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam song không có gì đảm bảo rằng cách làm và số liệu được dùng là chính xác.
“Cách đây 5 năm, có một nhóm cũng công bố bảng xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam, nhưng sau đó cũng dừng lại.
Rồi đến bảng xếp hạng theo hình thức gắn sao (star rating) áp dụng cho các trường đại học của Việt Nam - UPM. UPM có đặc điểm là trường nào có mong muốn tham gia và phải đóng góp kinh phí thì mới xếp hạng, ngược lại sẽ không có tên. Sau gần 3 năm, hiện cũng mới khoảng 30-40 trường tham gia.
Mới đây, bảng xếp hạng VNUR công bố xếp thứ tự các trường đại học, theo hướng khá quen thuộc, phổ biến ở Việt Nam. Bảng xếp hạng này theo một cách làm khác, tuyệt đối không dính đến các trường mà chỉ căn cứ thông tin do các trường cung cấp chính thức, công khai trên website.
Việc này cũng có khách quan nhất định là số liệu từ các trường đưa ra. Tuy nhiên, lại vướng vào câu hỏi là mục đích gì và liệu nguồn dữ liệu có đúng và đủ. Như vậy, điểm hạn chế là thông tin do chính chủ cung cấp nhưng chính xác hay không thì không kiểm soát được”.
Ông Phương lấy dẫn chứng, có 2 trường đại học được xếp hạng khá cao trong danh sách 100 trường của VNUR , tuy nhiên, “cả 2 trường này đều dính vào những vụ tai tiếng trong những năm gần đây về mua bán bài báo, thuê đội ngũ từ nước ngoài viết báo",...
Nhấn mạnh mỗi bảng xếp hạng có tiêu chuẩn riêng cho từng yếu tố đánh giá, ông Phương cho rằng, không thể đánh đồng các bảng khác nhau, hoặc coi bảng nào đó là đại diện cho chất lượng tổng thể của các trường. Do đó, ông Phương cho rằng, thời điểm này không nhất thiết phải có một bảng xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam.
“Trước đây, có những thông tin rất đơn giản nhưng ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng khó có được, hoặc mất nhiều thời gian để liên hệ. Nhưng giờ đây, việc tra cứu thông tin dễ dàng và hầu hết bản thân các trường đại học cũng có ý thức công khai các số liệu”, ông Phương nói.
PGS.TS Nguyễn Viết Thái, giảng viên Trường ĐH Thương mại, cho rằng đến nay vẫn khó có một bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam đủ uy tín, bởi khó có nền dữ liệu tổng thể khách quan, chính xác.
“Mới đây, có một bảng xếp hạng các trường đại học trong nước được công bố, về cơ bản cũng đã tiếp cận theo các tiêu chí của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là phương pháp đánh giá và chất lượng nguồn thông tin, số liệu được thu thập để xét các tiêu chí đó có đảm bảo”.
Thậm chí, theo ông Thái, kể cả khi nguồn dữ liệu lấy trên website của các trường cũng chưa chắc đã cập nhật một cách chính xác, thậm chí có nhiều sai sót.
Ông Thái lấy ví dụ ở một bảng xếp hạng mới đây, khi ĐH Quốc gia Hà Nội có gần 60.000 sinh viên, nhưng con số mà bảng xếp hạng lấy vào chưa đến 50.000 em. “Như vậy, rõ ràng các tiêu chí tính trên đầu sinh viên sẽ được tính cao hẳn so với thực tế. Hay như số lượng giảng viên, có thể thực tế rất ít nhưng các trường khai báo “vống” vì tính cả số hợp đồng. Khi không thể kiểm soát được con số giảng viên cơ hữu của các trường thì không ngoại trừ khả năng một giảng viên được tính đăng ký cho mấy trường. Còn nếu chỉ điểm mặt có tên nhưng thực tế không phục vụ giảng dạy cho trường đó thì xếp hạng gần như cũng chẳng có ý nghĩa.
Đó là chưa kể đến việc thực hiện đánh giá số lượng trích dẫn, bài báo quốc tế của một trường đại học”, ông Thái nói - “Nếu chỉ dựa vào công bố thông tin trên website của các trường thì thực sự không ổn, bởi câu chuyện là con số đó có đúng hay không”.
Để có được xếp hạng các trường đại học Việt Nam, theo ông Thái, cần có một hệ thống cơ sở dữ liệu toàn quốc tốt và phải liên thông, cập nhật được với dữ liệu của các trường. “Cũng giống như hệ thống tuyển sinh đại học, khi soos học sinh thực tế nhập học bao nhiêu sẽ hiện lên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT và các trường không thể báo cáo sai”.
Ông Thái cho rằng, nếu không giải quyết được vấn đề này, việc xếp hạng lại khiến các trường sa vào cuộc chạy đua tốn kém và vô bổ, chỉ làm giàu cho các tổ chức xếp hạng.
Bài 2: Cần xếp hạng ĐH vì uy tín và “cuộc chiến” tuyển sinh