Đột phá từ tư duy quản lý
Chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP cuối tuần trước Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nói một cách thiết tha: “Xin các các bộ quản lý chuyên ngành tham khảo cách tiếp cận tiên tiến về quản lý nhà nước tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn thực phẩm để không khôi phục các thủ tục, giấy phép, điều kiện đã bãi bỏ, đơn giản hóa hoặc mở rộng thêm các điều kiện, thủ tục không cần thiết”.
Cách đặt vấn đề của ông Đông trước đại diện của nhiều bộ, ngành và doanh nghiệp rất đáng để ôn lại trong bối cảnh các điều kiện kinh doanh mọc như nấm sau mưa trong các văn bản pháp luật và Nghị quyết 02 về cải cách môi trường kinh doanh mới được được khôi phục lại từ đầu năm 2024 sau một năm vắng bóng.
Hơn 12 năm trước, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2012/NĐ-CP để hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm, nhưng trên thực tế, những quy định trong đó đã tạo nên một hệ thống ma trận liên hoàn, đánh đố hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài. Trong nhiều năm, nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, Bộ trưởng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi các quy định tiền kiểm sang hậu kiểm, nhưng Bộ Y tế không lay chuyển mà lý do chính là vị Thứ trưởng lúc đó, ông Trương Quốc Cường, không đồng ý.
Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương ước tính, doanh nghiệp phải tốn thêm 5,4 triệu ngày làm việc/năm để xin được giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, sức ép tích tụ trong nhiều năm lớn đến mức, cuối cùng ông Cường và lãnh đạo Bộ Y tế đã phải nhượng bộ, và Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP để thay thế. Những bước đột phá của Nghị định này là doanh nghiệp tự công bố sản phẩm, tự chịu trách nhiệm thay vì phải chờ xin Bộ Y tế và phân cấp, trao quyền về quản lý vệ sinh an toàn cho các địa phương.
Sự thay đổi tư duy quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sản phẩm của mình để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng đã giúp giảm trên 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm 10 triệu ngày công, 3.700 tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Cách tiếp cận của Nghị định 15/2018/NĐ-CP, mà Thứ trưởng Đông tha thiết đề nghị các bộ, ngành và địa phương tham khảo, học tập như trên, rõ ràng là đáng ôn lại.
Chỉ một nghị định thay đổi cung cách quản lý nhà nước mà xã hội bớt đi được gánh nặng tài chính đến 3.700 tỷ đồng, bớt đi bao nhiêu thời gian và bức xúc, trong khi vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn được đảm bảo thông suốt suốt từ năm 2018 đến nay.
Khoảng cách vời vợi giữa chính sách và đời thực
Tinh thần quản lý tiên tiến nêu trên, đáng tiếc, không phải là phổ biến. Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Lý Kim Chi cho biết, Nghị định 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm đang gây ảnh hưởng tiêu cực kéo dài và nặng nề nhất đối với doanh nghiệp thực phẩm suốt trong gần 7 năm qua.
“Việc tuân thủ quy định, thủ tục hành chính (của Nghị định này) cộng với những khó khăn thị trường dai dẳng làm phần đông doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn và ít có cơ hội phục hồi sau Đại dịch”, bà Kim Chi nói.
Văn bản trên không phải duy nhất. Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM, TS. Nguyễn Minh Thảo, một trong những tác giả của Nghị quyết 19 trước đây và 02 hiện nay, nhận xét, các bộ, ngành vẫn duy trì một cách đáng lo ngại các rào cản về ngành nghề và điều kiện kinh doanh, làm tăng chi phí tuân thủ và giảm động lực đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
“Điều đáng quan ngại là vẫn còn khoảng cách rất lớn và ngày càng gia tăng giữa các chỉ đạo về cải cách môi trường kinh doanh và chuyển biến trên thực tế. Các phiên họp Chính phủ hàng tháng luôn nhấn mạnh tới yêu cầu này; nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng đã được ban hành nhằm thúc đẩy việc thực thi. Điều này cho thấy chủ trương đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ là thường xuyên, xuyên suốt và nhất quán” bà nói.
Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thực thi cải cách môi trường kinh doanh còn chậm hoặc chưa chuyển biến; thậm chí có lĩnh vực, rào cản nặng nề hơn”.
Báo cáo của các Ủy ban Quốc hội cũng phản ánh tình trạng này. Tại nhiều diễn đàn và ở nhiều nơi, doanh nghiệp chia sẻ ngày càng nhiều vướng mắc, bất cập song rất ít khó khăn được giải quyết, khiến sức khỏe của doanh nghiệp “bị bào mòn và niềm tin sụt giảm”.
Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, một số phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh còn hình thức; đề xuất cắt giảm còn thiếu tính đột phá. “Nhiều vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh chưa được xem xét. Đặc biệt, trong quá trình rà soát cắt giảm các văn bản hiện hành. Có hiện tượng các văn bản đang soạn thảo lại bổ sung rào cản mới”, ông Tuấn nói.
Ông dẫn chứng Nghị định số 10/2020/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp vận tải hành khách hợp đồng phải cung cấp tối thiểu nội dung hợp đồng vận chuyển đến Sở Giao thông vận tải bằng email trước mỗi chuyến đi, trong khi đó doanh nghiệp có hàng trăm chuyến đi mỗi ngày. Vì thế, việc yêu cầu cung cấp thông tin như trên tạo nên chi phí tuân thủ rất lớn, gây khó khăn cả cho cơ quan quản lý, khi mỗi ngày nhận được hàng trăm email.
Một ví dụ khác, Nghị định số 09/2016/NĐ-CP yêu cầu tăng cường iốt vào muối dùng để ăn trực tiếp, chế biến thực phẩm; bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm.
Theo ông Tuấn, doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm phản đối mạnh mẽ quy định này vì gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng chi phí và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thiếu hiệu quả và không phù hợp với quốc tế. Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP đã yêu cầu sửa đổi quy định này, song đến nay vẫn chưa có nghị định sửa đổi.
“Nhiều vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh chưa được xem xét. Đặc biệt, trong quá trình rà soát cắt giảm các văn bản hiện hành, có hiện tượng các văn bản đang soạn thảo lại bổ sung rào cản mới”.
Nghị quyết số 02 năm 2024 của Chính phủ tiếp tục xác định các mục tiêu cải cách theo thông lệ quốc tế, có chọn lọc trọng tâm để phù hợp với vấn đề, bất cập, tồn tại của từng năm. Một số mục tiêu nâng hạng các chỉ số quốc tế như: Phát triển bền vững thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; Năng lực Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng ít nhất 3 bậc; Chính phủ điện tử tăng ít nhất 5 bậc; Quyền tài sản tăng ít nhất 2 bậc; Hiệu quả logistics tăng ít nhất 4 bậc; Năng lực phát triển du lịch và lữ hành tăng ít nhất 2 bậc; và An toàn an ninh mạng thuộc Nhóm 30 nước đứng đầu. Chính phủ cũng xác định mục tiêu cụ thể về số doanh nghiệp gia nhập thị trường năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023. Mục tiêu cuối cùng là để doanh nghiệp thành lập nhiều hơn, hoạt động thuận lợi hơn, hiệu quả hơn và số doanh nghiệp dừng, tạm dừng hoạt động, đóng cửa giảm đi, tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. |