Những ngày gần đây, hàng chục người dân xã Yên Hồ (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) mang theo đèn pin, mặc áo mưa, thức trắng đêm ra các cánh đồng gần nhà để săn bắt rươi.
Người dân cho biết, họ bắt đầu săn rươi từ 17h chiều đến rạng sáng hôm sau. Đây được xem là "thời điểm vàng" để người dân đổ ra tại các cánh đồng ven sông La ở các xã Yên Hồ, Quang Vĩnh, Liên Minh, Bùi La Nhân (huyện Đức Thọ) và xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân) bắt rươi.
Tham gia bắt rươi tại cánh đồng, ông Trần Đình Hải (trú xã Yên Hồ) cho biết, rươi thường xuất hiện theo lịch trình của con nước. Rươi thường xuất hiện vào các ngày đầu tháng, hoặc ngày Rằm. "Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, chúng tôi cải tạo đất để rươi phát triển tự nhiên. Thời điểm nước dâng cao, chúng tôi lại ra cánh đồng soi đèn vợt 'lộc trời'. Công việc làm đêm giữa mưa gió vất vả nhưng bù lại rất vui vì mang lại thu nhập khá", ông Hải nói.
Ông Nguyễn Tiến Cường (trú xã Yên Hồ) cho hay, gió lạnh tràn về, kèm theo mưa phùn cũng là lúc người dân đổ xô ra cánh đồng săn đặc sản rươi.
"Rươi hay còn gọi là rồng đất - là đặc sản, giàu chất dinh dưỡng. Không khí lạnh về là loài này chui từ đất lên mặt nước. Chúng tôi tận dụng thời điểm này, đổ ra đồng để săn bắt. Thời điểm bán được đắt nhất thì mỗi kg có giá 600.000 đồng, còn bình thường khoảng 500.000 đồng/kg. Có những đêm tôi bắt được tầm 3kg, bán ra được 1,5 triệu đồng", ông Cường tiết lộ.
Ông Ngô Ngọc Hân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Thọ, thông tin, trên địa bàn huyện mùa rươi có quanh năm, nhưng nhiều nhất vào tháng 9, tháng 10 âm lịch. Thời điểm rươi xuất hiện kéo dài khoảng 5 đến 10 ngày và vào khung giờ từ 19h-21h.
"Ruộng phải có nước lên, nước xuống mới có rươi, gọi là nước đảo chiều. Để rươi phát triển được thì trong quá trình trồng lúa không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ruộng phải tạo được độ phì, độ xốp để rươi sinh trưởng. Mùa này người dân thu nhập rất cao, mỗi sào ruộng có thể bắt được từ 20-30kg rươi, lúc giá cao nhất bán được 600.000-700.000 đồng/kg", ông Hân nói.