Một số phụ huynh cho rằng vẫn nên giữ các lớp không chuyên trong trường chuyên.
“Hệ thống trường công lập hiện nay còn thiếu nhiều so với nhu cầu của học sinh, phụ huynh. Năm nào việc tuyển sinh đầu cấp nhất là tại Hà Nội đều rất căng thẳng, trong khi các trường chuyên được đầu tư cơ sở vật chất tốt, môi trường học tập tốt như vậy sao phải bỏ?
Đó là chưa kể việc không có những lớp cận chuyên thì việc tuyển sinh đầu vào của các trường công lập top đầu ở Hà Nội càng cạnh tranh quyết liệt, cơ hội cho học sinh có môi trường học tập tốt, giáo viên có chuyên môn càng hiếm hoi.
Tôi cho rằng trường chuyên có cơ sở vật chất tốt thì nên tận dụng triệt để thay vì xóa bỏ” - chị Nguyễn Thu Trang (Hà Nôi) nêu ý kiến.
Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Thanh Tùng (Hà Nội) cũng cho rằng với nhiều phụ huynh và học sinh thì học hệ cận chuyên là cơ hội và bước đệm quan trọng trong việc tìm môi trường học tập tốt.
“Hệ cận chuyên học phí cao hơn nhưng phụ huynh chấp nhận điều đó, bởi lẽ, nếu một số trường hệ chuyên chưa tuyển đủ chỉ tiêu, sau một học kỳ, học sinh hệ cận chuyên có cơ hội thi bổ sung và cũng có thêm cơ hội chuyển sang hệ chuyên nếu đáp ứng đủ yêu cầu.
Thực tế điểm số đôi khi không phản ánh hết được năng lực của học sinh, một bài thi cũng không phản ánh hết trình độ của học sinh.
Đôi khi chỉ chênh lệch 0,25 điểm thì đã quyết định học sinh được học hệ chuyên hay cận chuyên.
Do đó, là người từng có con học hệ cận chuyên, tôi vẫn mong muốn các trường chuyên nên có lớp cận chuyên để tạo thêm môi trường tốt bồi dưỡng thêm cho học sinh”- anh Tùng nói.
Nhiều người nhận thấy lớp cận chuyên thực chất là những lớp mang về cho nhà trường nguồn thu vì học phí khác hẳn với lớp chuyên và một số địa phương có mở lớp không chuyên trong trường chuyên nhằm khai thác cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, các tỉnh, thành hiện nay có nhiều trường học có điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tốt nên có một số ý kiến cho rằng không nhất thiết phải mở lớp không chuyên trong trường chuyên chỉ để tận dụng các lợi thế này.
Góc nhìn khác
Có một thực tế mà ngay cả giáo viên cũng phải thừa nhận là hàng năm, đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia của một số trường chuyên lại không phải là học sinh lớp chuyên.
Điển hình như Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội cũng từng có 2 học sinh tham gia đội tuyển học sinh giỏi quốc gia không phải là học sinh lớp chuyên. Các em ở lớp mà điểm thi đầu vào thấp hơn một chút, là lớp cận chuyên. Thế nhưng, trong quá trình học tập, các em đã bứt phá và vượt qua cả các bạn lớp chuyên để đạt thành tích cao trong học tập.
Một vị hiệu trưởng xin giấu tên cho rằng, học sinh ở lớp cận chuyên chính là một lực lượng cạnh tranh với các lớp chuyên. Bởi lẽ, học sinh ở lớp chuyên học kém, sẽ bị luân chuyển, nhường chỗ cho các bạn học giỏi từ các lớp cận chuyên. Điều đó cũng tạo động lực học tập cho học sinh.
Tuy nhiên, vị hiệu trưởng này trăn trở rằng lớp cận chuyên phải hoạt động đúng như bản chất của nó chứ hiện nay nhiều nơi bị biến tưởng, trở thành nơi “gửi gắm” thì thực sự lớp cận chuyên lại là gánh nặng cho các trường chuyên.
Chính vì thế, tùy vào điều kiện từng nơi, trường nào có cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên đủ mạnh, có thể mở lớp cận chuyên và phải có cam kết về đầu vào.
Ở một góc nhìn khác, theo thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên tại hệ thống giáo dục HOCMAI (Hà Nội), cho rằng trường chuyên phải thực sự là môi trường đào tạo tinh hoa theo đúng nghĩa chứ không phải nơi đào tạo "gà nòi" như nhiều đơn vị đang thực hiện.
“Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh cần và được phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất. Trường chuyên bên cạnh việc phát hiện, bồi dưỡng những tinh hoa về lĩnh vực cụ thể thì cũng không thể đứng ngoài cuộc xu thế giáo dục để học sinh trở thành công dân toàn cầu.
Do đó, thay vì xoá bỏ lớp không chuyên, hãy nghiên cứu, phát triển để nó trở thành mô hình chuẩn không chuyên chất lượng cao và hội nhập”- thầy Đinh Đức Hiền nêu ý kiến.