Chia sẻ với VietNamNet, Duy Anh và Thảo Anh đều bất ngờ và hạnh phúc vì giành tấm huy chương Vàng với đề thi được đánh giá khó.

“Điều em hơi tiếc một chút là năm nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên kỳ thi chỉ được tổ chức bằng hình thức trực tuyến nên em không có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu và học hỏi từ các bạn đến từ các quốc gia khác”, Duy Anh nói.

Còn Nguyễn Lê Thảo Anh cảm thấy rất vui khi công sức thầy trò bỏ ra suốt thời gian qua được đền đáp xứng đáng.

{keywords}
Nguyễn Duy Anh và Nguyễn Lê Thảo Anh (lớp 12 Hóa 1 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) cùng giành được Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic quốc tế năm 2021.

Thầy Nguyễn Hồng Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Hóa 1 và cũng là người dạy Hóa trực tiếp cho Duy Anh và Thảo Anh từ lớp 10 nhớ lại cảm giác hồi hộp đến những giây phút cuối cùng trước khi nghe tên học sinh mình được vinh danh.

"Năm nay, đề thi Olympic quốc tế Hóa học được các thầy cô đánh giá có độ khó và dài hơn hẳn so với những năm gần đây. Sau khi kết thúc thi, các học sinh cũng chia sẻ không quá hài lòng với bài thi của mình”, thầy Hải nhận định.

Đây là lần thứ hai Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam có 2 học sinh giành Huy chương Vàng học cùng 1 lớp. Điều tương tự diễn ra cách đây đã 7 năm, ở kỳ thi Olympic hóa học quốc tế năm 2014.

{keywords}
Bà Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và thầy Nguyễn Hồng Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Hóa 1 chúc mừng 2 học trò.

Thầy Hải kể, ngay từ đầu vào lớp 10, Duy Anh và Thảo Anh đều là những học sinh thể hiện có ý chí và quyết tâm.

Thảo Anh rất ngoan, học tập một cách bài bản, cần mẫn, chăm chỉ và có trách nhiệm, kể cả là môn Văn - môn học thường không phải thế mạnh của các học sinh chuyên Khoa học tự nhiên.

“Thảo Anh có một sức học rất khủng khiếp, phải nói là hiếm có, không chỉ riêng môn Hóa học mà ở tất cả các môn. Trong quá trình ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, Thảo Anh vẫn đáp ứng việc học trên lớp, hoàn thành các môn học cực kỳ xuất sắc. Em cũng đạt 8.0 IELTS; điểm SAT cũng gần tuyệt đối (SAT1: 1570/1600; SAT2: 1600/1600)”, thầy Hải đánh giá.

Trước khi giành Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế, Thảo Anh đã sở hữu thành tích học tập ấn tượng: Huy chương Vàng cá nhân và Huy chương Đồng toàn đoàn tại kỳ thi Olympic Khoa học trẻ Quốc tế lần thứ 15, Huy chương Bạc thi học sinh giỏi các trường THPT chuyên khu vực Duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ môn Hóa học (lớp 10); Giải Nhì kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học, giải Nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi TP Hà Nội môn Hóa học (lớp 11); Huy chương Vàng cá nhân Kỳ thi Olympic quốc tế dành cho các thành phố lớn (IOM); Giải Nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học.

{keywords}
Nguyễn Lê Thảo Anh. Ảnh: NVCC

Còn Duy Anh được thầy Hải đánh giá vừa học giỏi nhưng chơi, hoạt động phong trào cũng rất giỏi. Trong các câu lạc bộ mà Duy Anh tham gia, em đều rất nổi bật.

“Nhà Duy Anh ở quận Long Biên rất xa trường nên ngày nào, Duy Anh cũng vượt quãng đường khoảng 30 cây số cả đi lẫn về. Duy Anh lúc nào cũng chủ động, tự giác trong quá trình học tập, hoạt động tại trường, em học càng ngày càng tiến bộ và trở thành một trong các thành viên nòng cốt của đội tuyển – em đứng thứ 8 trong bảng tổng sắp điểm của kỳ thi Oympic Hóa Quốc tế năm nay”, thầy Hải kể.

Duy Anh cũng từng giành giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi TP Hà Nội môn Hoá học năm 2019; giải Nhì kì thi học sinh giỏi quốc gia môn Hoá học, Huy chương Vàng kỳ thi Olympic giữa các thành phố lớn 2020; Giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Hoá học.

“Các em trong lớp 12 Hóa 1 nói chung, trong đội tuyển nói riêng rất gắn bó, đoàn kết, các em luôn chia sẻ, hỗ trợ nhau không chỉ trong học tập mà còn trong các hoạt động tập thể khác. Duy Anh và Thảo Anh cùng các bạn khác trong đội tuyển thường xuyên trao đổi với nhau những bài tập khó, tài liệu hay, các em cùng tranh luận, tìm ra cách giải quyết bài toán sao cho tối ưu nhất, hay nhất góp phần tạo nên kết quả tốt cho cả đội", thầy Hải nói.

{keywords}
Nguyễn Duy Anh. Ảnh: NVCC

Chủ động trong học tập

Chia sẻ về bí quyết học tập, Duy Anh cho hay, kiến thức thì hầu như học sinh nào cũng được học, được tiếp cận như nhau. Nhưng sự khác biệt nằm ở việc thể hiện, trình bày các kiến thức đã được học, sự hiểu biết vào trong bài tập, bài thi của mình ra sao.

“Trong quá trình thi, em nghĩ cách trả lời câu hỏi, cách trình bày, diễn giải cho người chấm thấy rằng mình hiểu đề như thế nào là yếu tố giúp mình được điểm tốt hơn. Thi Hóa thì điều tiên quyết là phải thể hiện được tư duy Hóa học; nếu quá thiên về mặt Toán học thì nếu sai, người chấm sẽ không thể cho điểm, ngược lại, nếu sai một bước thực hiện thì người chấm vẫn có thể biết được rằng các bước còn lại của mình vẫn đúng”, Duy Anh chia sẻ.

Duy Anh học theo cách, tìm ra sự liên kết giữa các kiến thức với nhau để việc hiểu và nhớ dễ hơn. “Như vậy mình có thể tư duy logic một cách đồng nhất và không cần phải học theo kiểu ghi nhớ quá nhiều. Nhớ theo kiểu máy móc nhiều cũng dễ sai, còn kết nối lại để hiểu bản chất thì kể cả quên thì mình vẫn có thể suy luận ngược lại và nhớ ra”, Duy An nói.

Ngoài thời gian học, Duy Anh giải tỏa căng thẳng bằng sở thích bơi, chơi đàn piano. Em cũng thích tìm hiểu về ẩm thực. “Ở Hà Nội, chỗ nào có đồ ăn ngon, em cũng phải thử một lần. Em thường cùng bạn bè đi ăn, nhưng thời gian này, do Covid-19, nên sở thích này cũng đang bị gác lại”, Duy Anh chia sẻ.

Còn Thảo Anh chia sẻ mình không có bí quyết gì đặc biệt, ngoài việc tập trung cao độ. Thảo Anh cho hay, lịch học dày nhất của em với môn Hóa cũng không quá 8 tiếng/ngày.

Thảo Anh có thói quen lên thời gian biểu, viết lại những việc cần làm trong ngày và phân bố thời gian để vừa sức thực hiện nhất.

“Em không có thói quen học quá khuya và gần như không bao giờ ngồi học đến quá 10h tối. Để làm được việc này, em tranh thủ thời gian rảnh trên lớp và trong ngày để xử lý các bài tập về nhà. Em cảm giác khi hoàn thành xong bài tập và việc học thì chơi cũng thoải mái hơn. Em không thích cảnh nước đến chân mới nhảy và bị động bởi deadline. Cũng nhờ vậy mà em luôn có được sự thoải mái, bình tĩnh và nếu có việc gì đột xuất thì mình vẫn có thể chủ động tình hình”, Thảo Anh nói.

Nữ sinh chia sẻ mình là người sống theo cảm hứng và cũng có rất nhiều sở thích. “Cứ thấy cái gì hay, thú vị là em thích tìm hiểu, có khi dành cả buổi để đọc. Nhiều khi các vấn đề chẳng có gì liên quan đến nhau”.

Thảo Anh cũng rất thích viết lách và cũng từng trúng tuyển khối chuyên Văn của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, khối chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên hồi lớp 10.

Với kết quả này, Duy Anh cho hay, em đang cân nhắc giữa khoa Hóa của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội và ngành Răng Hàm Mặt của Trường ĐH Y Hà Nội.

Còn Thảo Anh sẽ lựa chọn giữa ngành Dược học của Trường ĐH Dược Hà Nội và ngành Hóa dược của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.

“Em hướng nhiều hơn về ngành Dược bởi vừa gắn với môn Hóa mà em yêu thích vừa đúng mong muốn luôn trong em về việc giúp nâng cao sức khỏe cộng đồng”.

Thanh Hùng

Phương 'giáo sư' mang HCV Hóa học quốc tế về Hải Dương sau 16 năm

Phương 'giáo sư' mang HCV Hóa học quốc tế về Hải Dương sau 16 năm

Đạt nhiều thành tích nổi trội ở môn Hóa, ham học và có hiểu biết rộng về các lĩnh vực xã hội, Nam Phương được bạn bè đặt biệt danh là Phương “giáo sư”.