Chiều 16/12, phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ quận 1, TP.HCM lần thứ 14, Đại tá Lê Hoàng Châu, Trưởng Công an quận 1 nhận định, trong năm qua tình hình an ninh xã hội, chính trị nội bộ, an ninh tôn giáo trên địa bàn cơ bản ổn định.
Tuy nhiên, số vụ việc liên quan tới án lừa đảo trên không gian mạng và án xâm phạm nhân thân trên địa bàn quận có tỷ lệ tăng trong năm 2022.
Đáng nói, trong tháng 11/2022, Công an quận 1 đã phối hợp cùng lực lượng Công an TP.HCM, các đơn vị bạn khám phá vụ việc xảy ra tại một tổ chức tài chính có văn phòng tại quận 1.
"Tổ chức này do một người nước ngoài làm chủ, thuê nhân viên tại Việt Nam làm việc. Hoạt động của công ty này gây bất bình cho người dân trong thời gian dài với hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cưỡng đoạt để đòi nợ", Đại tá Lê Hoàng Châu thông tin.
Ông Châu cho biết, 13 đối tượng liên quan đến tổ chức tài chính trên đã bị khởi tố, các lực lượng đang tiếp tục điều tra, làm rõ những người liên quan. Theo ông, điểm phức tạp trong vụ việc là tổ chức tài chính này có chuỗi 40 công ty nằm rải rác từ tỉnh Quảng Nam xuống tới các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Theo trưởng Công an quận 1, việc xử lý các vụ việc lừa đảo qua không gian mạng là vấn đề nan giải đối với Công an quận 1 và các lực lượng của Công an TP.HCM. Hiện tại khu vực quận 1 có hơn 200 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng đóng trú, trong khi đó, việc chuyển tiền được thực hiện ở đâu thì hành vi phạm tội được ghi nhận và xử lý tại đó.
Cũng theo ông Châu, các lực lượng chức năng đã phân tích lý do người dân vì sao vẫn bị lừa, dù đã được cảnh báo nhiều lần về hành vi này.
"Loại tội phạm này sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, không chỉ đơn thuần là lừa đảo, gọi điện thoại tự xưng cơ quan tư pháp như trước đây. Các đối tượng lừa đảo qua thông tin tuyển dụng việc nhẹ lương cao, lấy thông tin tài khoản, kêu gọi đầu tư, kết bạn tặng quà... Nếu sơ hở, mất cảnh giác là tất cả thông tin, tài khoản mất sạch", Đại tá Châu nói.
Ông Châu nhìn nhận, việc phát hiện, xử lý loại tội phạm này vẫn là 'điểm khó' với cơ quan chức năng. Dù đã cố gắng tập trung đẩy mạnh, nhưng tỷ lệ khám phá loại tội phạm này vẫn chưa đạt mức cao.
Trước đó, Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Ngọc Thắng, cùng 12 đồng phạm tại Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset về tội "Vu khống" theo điều 156 Bộ Luật Hình sự. Đây là công ty nước ngoài có trụ sở chính tại quận 1, do một người Hàn Quốc tên L.J. làm Tổng giám đốc. Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset được cấp phép, có chức năng "cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng". Khi có nhu cầu vay, khách hàng phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân khi ký hợp đồng vay với công ty, lãi suất từ 4,58%/tháng, tương đương 55%/năm dưới hình thức trả góp hằng tháng. Từ ngày 1/8/2016 đến nay, công ty này thuê văn phòng tại lầu 4, cao ốc H3 (phường 6, quận 4) để hoạt động thu hồi nợ. Đến hạn thanh toán, bộ phận thu hồi nợ sẽ chia khách hàng theo cấp độ thời gian nợ. Trong đó, với nhóm nợ trên 180 ngày, các nhân viên gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt hình ảnh người vay tiền, người thân của họ rồi ghép vào ảnh cáo phó, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn nợ, cảnh báo lừa đảo... gửi cho bất cứ ai quen biết với người vay nhằm gây sức ép buộc trả nợ. |