Như vụ Phạm Bá Thụy (SN 1982, ngụ thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cho chị P.N.T vay với mức lãi suất kinh khủng lên đến 8.640% một năm. Từ số tiền vay ban đầu 90 triệu đồng, chỉ sau hơn 1 năm không trả kịp lãi, Thụy tính lãi mẹ đẻ lãi con đã lên đến gần 10 tỷ đồng, mặc dù trước đó chị T. đã đóng lãi cho Thụy hơn 4 tỷ đồng. Cũng tàn khốc không kém là Lê Văn Việt (tạm trú TX Tân Uyên, Bình Dương) cho vay với lãi suất 360%/năm. Với số vốn ban đầu 2,8 tỷ đồng, chỉ sau một thời gian ngắn cho 30 người vay, Việt đã thu về khoản lãi là hơn 3 tỷ đồng….
Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương cho biết, thủ đoạn hoạt động của tội phạm “tín dụng đen” cũng theo cách thức truyền thống là dán quảng cáo, phát tờ rơi để tìm “con mồi”. Tuy nhiên chúng tinh vi hơn là không mở văn phòng, điểm giao dịch mà chủ yếu thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook. Đặc biệt là chúng không yêu cầu người vay cung cấp giấy tờ tùy thân, không viết giấy vay nợ mà chỉ cần cung cấp hình ảnh “nhạy cảm” cá nhân và số điện thoại của người thân. Tất nhiên, nếu ai quỵt nợ sẽ bị chúng gọi điện cho người thân để khủng bố, đưa hình ảnh “nhạy cảm” của con nợ lên mạng xã hội…
Một cách thức phổ biến khác của "tín dụng đen" là lập các hợp đồng giả cách mua bán tài sản có giá trị cao với người cần vay số tiền lớn trong thời gian ngắn. Đến khi người vay mất khả năng chi trả sẽ bị buộc chuyển quyền sở hữu tài sản đã thế chấp cho các đối tượng cho vay. Gắn liền với cách thức trên là thủ đoạn mua bán nợ. Kẻ cho vay lập hợp đồng với công ty mua bán nợ (một hình thức biến tướng của công ty đòi nợ thuê) để khi con nợ không trả tiền đúng hạn sẽ sử dụng các thủ đoạn quấy rối, khủng bố (tạt sơn, tạt chất bẩn, nước thải, máu chó…) để đòi nợ theo hợp đồng.
Dự báo trong thời điểm cuối năm cận Tết Nguyên đán 2023, người dân, doanh nghiệp cần huy động vốn để kinh doanh sản xuất, một trong những nguồn vốn đó là từ các đối tượng cho vay lãi suất cao. Để hạn chế thực trạng này, Công an tỉnh Bình Dương đang xây dựng kế hoạch phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh doanh viễn thông, internet, an ninh mạng để có phương án kịp thời ngăn chặn các số điện thoại có biểu hiện hoạt động đòi nợ trái quy định của pháp luật. Chỉ đạo Công an các địa phương tổng rà soát các đối tượng, băng nhóm hoạt động cho vay biến tướng dưới hình thức các hợp đồng giả cách, các công ty tài chính…để lồng ghép đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023. Đồng thời chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền sâu rộng những quy định của pháp luật về các thủ đoạn “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao hiện nay.
Tổ chức đấu tranh với các băng nhóm, đường dây hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê có tính chất nguy hiểm, liên tuyến, liên địa bàn và tập trung đấu tranh với các đối tượng là người nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên các cơ sở kinh doanh để hoạt động “tín dụng đen” cho vay qua các APP trên các thiết bị điện tử. Thực hiện nghiêm túc công tác tiếp nhận, thụ lý xác minh tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Tổ chức xác minh xử lý nhanh ngay từ cấp cơ sở, không để vụ việc tồn tại lâu dài dẫn đến xảy ra các vụ việc phức tạp liên quan đến tình hình ANTT…
Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo người dân một số biện pháp xử lý khi bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin “khủng bố” đòi nợ mặc dù không vay tiền. Lưu ý người dân tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như thông tin về giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống… Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong công ty, đơn vị mình không vay qua App không rõ nguồn gốc, không được nhân danh đơn vị hoặc cung cấp số điện thoại của cơ quan, đồng nghiệp để vay tiền.
Theo CAND