Báo cáo tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự thảo luật sẽ giải quyết 6 nhóm chính sách, trong đó có quy định về điều tra cơ bản và dầu khí.
Theo Bộ trưởng Công Thương, hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 95/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí. Do đó để nâng cao tính pháp lý, đồng độ với pháp luật về khoáng sản, cần thiết phải đưa lên luật.
Nội dung của các điều này được soạn thảo trên cơ sở tham khảo quy định của Luật Khoáng sản và thực tế hoạt động dầu khí tại Việt Nam. Bên cạnh đó, trước đây, PVN được hình thành và sử dụng Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí phục vụ tìm kiếm thăm dò dầu khí và điều tra cơ bản về dầu khí.
Tuy nhiên, ông Diên cũng cho hay, hiện nay pháp luật không cho phép lập Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí. Do đó việc bố trí kinh phí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn của các tổ chức cá nhân là cần thiết, đồng bộ với quy định của pháp luật về khoáng sản.
Tốn hàng tỷ đô thăm dò chưa chắc đã ra được kết quả
Gợi mở một số vấn đề trước khi các đại biểu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc thăm dò, khai thác dầu khí rủi ro rất nhiều, “chim trời cá nước”, tốn hàng tỷ đô đấy nhưng chưa chắc đã ra được kết quả.
“Trước đây thông lệ có quỹ tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí và bây giờ bỏ rồi thì những hợp đồng không thành công thì xử lý thế nào, thông lệ quốc tế như thế nào. Lần này các đồng chí cũng phải đặt ra để giải quyết cho ổn thỏa chỗ này”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Ngoài ra, vấn đề thuê mặt nước, mặt biển trong việc khai thác, thăm dò, chế biến dầu khí cũng rất lúng túng, có lúc không tính được, có lúc tính được, sau đó tính rộng quá lại bảo thu hẹp lại. Chỗ này chưa được giải quyết căn cơ.
“Có lần Bộ Tài chính đề xuất tính lại bao nhiêu km2, như thế bây giờ mình đánh thuế thì chết. Vì vậy, phải tính như thế nào, chỗ này rất lúng túng, toàn xử lý ăn đong”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tài chính dầu khí nhiều vấn đề lắm, liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, nhiều vấn đề về xử lý chi phí. “Chi phí khai thác không thành công, bây giờ chúng ta xử lý có được không. Tôi nhớ việc này ra Quốc hội cũng có đại biểu chất vấn, sau đó yêu cầu phải bỏ quỹ này. Các đồng chí nói thông lệ quốc tế bao giờ cũng phải có để bù đắp những chi phí hoạt động không thành công. Bỏ ra thăm dò, tưởng nhiều lắm nhưng có tí dầu nào đâu”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Phù hợp với thông lệ quốc tế
Làm rõ thêm nội dung này, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, sau khi ban hành Luật 69 thì không còn nguồn để thực hiện hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí, do không còn quỹ tìm kiếm, thăm dò nữa.
Vì vậy cần thiết phải đưa vào luật nội dung này để xác định rõ nguồn chi phí thực hiện công tác điều tra cơ bản và kết quả điều tra cơ bản cũng như kết quả báo cáo về tài nguyên, trữ lượng. Đây cũng là dữ liệu quốc gia và khi các chủ thể khác nhau tiếp cận đều phải trả chi phí để thu hồi lại các chi phí này.
Ông Hùng cho rằng, việc luật này chia tách phần điều tra cơ bản để đảm bảo nguồn lực thực hiện cũng là hợp lý. Bởi vướng mắc lớn nhất bây giờ chính là việc xử lý chi phí tìm kiếm, thăm dò không thành công.
Trước đây và theo thông lệ quốc tế tách ra một nguồn vốn hoạt động ổn định của doanh nghiệp, quốc tế có Quỹ tìm kiếm thăm dò. Bản chất là quỹ xử lý các rủi ro khi kết quả tìm kiếm, thăm dò không thành công.
Tuy nhiên sau khi ban hành Luật 69 thì không được phép trích lập các quỹ đặc biệt trong doanh nghiệp nữa nên quỹ này hết. Khi Nghị định 06 hết hiệu lực thì Bộ Chính trị có một kết luận chỉ đạo tiếp tục được áp dụng Nghị định này và quy định pháp luật.
Ông Hùng cho rằng, đây là điều vướng. Bởi Nghị định 06 là được phép sử dụng quỹ còn dư về tìm kiếm thăm dò, nhưng quy định pháp luật tức là Luật 69 lại không có quỹ. Thời gian qua, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 36 thay thế Nghị định 06 sửa đổi ban hành quy chế tài chính cho PVN đã xử lý được điều này.
Tức là đến năm 2023, PVN sẽ hết phần quỹ còn lại và áp dụng phân bổ chi phí tìm kiếm thăm dò không thành công trong kết quả sản xuất kinh doanh trong lợi nhuận sau thuế, sau khi trích các quỹ phân bổ trong 5 năm.
“Điều này Bộ Công Thương dự thảo và đưa lên thành luật, Tập đoàn thấy hoàn toàn phù hợp để có cơ sở pháp lý cao nhất áp dụng trong thực tế”, ông Hùng nói và bày tỏ mong muốn trong Luật Dầu khí vẫn cho phép có Quỹ tìm kiếm thăm dò.
Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với bản chất rủi ro của hoạt động dầu khí và tách một nguồn vốn ổn định cho các hoạt động sản xuất kinh doanh như là vốn điều lệ hoặc vốn chủ sở hữu thì sẽ tốt hơn cho Tập đoàn.
Điều 43 của dự thảo luật về xử lý các chi phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quy định, chi phí điều tra cơ bản về dầu khí do PVN thực hiện được thanh toán bằng nguồn lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn. Chi phí tìm kiếm thăm dò dầu khí của dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí không thành công sau khi có quyết định kết thúc dự án dầu khí và quyết toán chi phí của cấp có thẩm quyền được bù đắp từ nguồn lợi nhuận sau thuế hằng năm của PVN và thực hiện phân bổ trong thời gian 5 năm. Các chi phí này được xử lý từ nguồn lợi nhuận sau thuế của PVN trước khi trích quỹ cho mục đích đầu tư phát triển ngành, nghề kinh doanh chính. |
Thu Hằng
Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm 12 năm kết dư nghìn tỷ chưa chi đồng nào
Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm từ khi thành lập đến nay kết dư 1.000 tỷ nhưng chưa chi đồng nào. Một số ĐBQH nói như vậy là tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân.
Chủ tịch Quốc hội: 'Nóng ruột vô cùng' trước lãng phí đất đai, tài sản công
Nêu thực tế lãng phí từ đất đai, tài sản công, mua sắm công còn rất lớn, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ “nóng ruột vô cùng” và yêu cầu giám sát có địa chỉ, tập trung vào vụ việc lớn cụ thể để cảnh tỉnh, răn đe.
Gần 7.000 xe công, hàng trăm nghìn m2 nhà công vụ dùng sai tiêu chuẩn, mục đích
Kết quả giám sát cho thấy, 147.911 m2 nhà công vụ, gần 7.000 xe công và hàng chục triệu m2 diện tích trụ sở sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ.