Hôm nay (21/4), TAND TP Hà Nội đưa ông Hoàng Quốc Vượng (62 tuổi) và 11 bị cáo khác ra xét xử theo trình tự sơ thẩm.

Ông Hoàng Quốc Vượng có 7 luật sư bào chữa, nhưng tại phiên tòa hôm nay, một số luật sư vắng mặt. Luật sư cho hay, bị cáo Hoàng Quốc Vượng đồng ý với sự vắng mặt của các luật sư này. Luật sư đề nghị HĐXX cho phép được tiếp xúc với thân chủ trong giờ nghỉ giải lao.

Các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phía Công ty điện mặt trời Trung Nam- Thuận Nam (Công ty điện mặt trời) cho biết, trước khi đến tòa, họ không biết phía Công ty được triệu tập đến tòa với tư cách gì. Phía Công ty cũng chưa bao giờ được công nhận là bị đơn dân sự. Trong trường hợp tòa xác nhận Công ty điện mặt trời là bị đơn dân sự thì phía công ty lại chưa được hưởng quyền của bị đơn là tiếp cận với tài liệu vụ án. Vì vậy, các luật sư đến tòa mà chưa chuẩn bị tài liệu gì.

w bi cao hoang quoc vuong 33944.jpg
Ông Hoàng Quốc Vượng, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương được dẫn giải đến tòa. Ảnh: Đình Hiếu

Luật sư đề nghị HĐXX cho triệu tập các đơn vị mà luật sư cho rằng rất quan trọng trong quá trình soạn thảo, thẩm định, trình duyệt, thực hiện Quyết định số 13 của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời như: Đại diện Bộ Tư Pháp, Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Ninh Thuận. 

Đồng thời, luật sư đề nghị HĐXX tạo điều kiện cho Công ty điện mặt trời được hưởng tất cả các quyền của bị đơn dân sự mà chủ tọa phiên tòa đã công bố trước đó để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công ty.

Trước ý kiến của các luật sư của Công ty điện mặt trời, HĐXX giải thích rằng, tòa mới tạm xác định phía công ty là bị đơn dân sự, quá trình xét xử, nếu nhận thấy Công ty điện mặt trời không phải là bị đơn dân sự thì tòa sẽ xác định lại tư cách của công ty này. 

Tại tòa, đại diện VKS đưa ra ý kiến cho rằng, trong vụ án này có 113 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhưng chỉ có 34 người có mặt tại tòa. Quá trình xét xử, nếu cần thiết triệu tập ai đến tòa sẽ yêu cầu áp giải người đó đến.

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tiếp tục xét xử. Đối với yêu cầu của luật sư bào chữa cho ông Hoàng Quốc Vượng, HĐXX đề nghị thực hiện đúng quy định. 

Đối với đề nghị triệu tập đại diện các cơ quan như Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT, UBND tỉnh Ninh Thuận, Tòa cho hay, đã triệu tập nhưng họ vắng mặt với lý do chính đáng. Do phiên tòa kéo dài nhiều ngày, nếu cần thiết, Tòa án sẽ triệu tập. 

Sau khi kết thúc phần thủ tục, đại diện VKS công bố cáo trạng.

Ông Hoàng Quốc Vượng bị cáo buộc gây thiệt hại 1.043 tỷ đồng

Trong thời gian giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương (từ 31/8/2018 - 6/4/2020), ông Hoàng Quốc Vượng bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xây dựng dự thảo Quyết định số 13 trái với các chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ điện mặt trời cho tỉnh Ninh Thuận (Nghị quyết 115).

Cụ thể, ông Vượng cố ý chỉ đạo theo hướng mở rộng đối tượng hưởng ưu đãi giá điện và thống nhất chủ trương đề xuất cho dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (Nhà máy Thuận Nam) được bổ sung quy hoạch và hưởng cơ chế giá ưu đãi 9,35 Uscents/kWh. Dù biết rõ các quy định và chỉ đạo, ông Vượng vẫn thực hiện hành vi này vì động cơ vụ lợi.

Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm trái công vụ của ông Hoàng Quốc Vượng đã trực tiếp dẫn đến hậu quả gây thiệt hại nghiêm trọng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với số tiền hơn 1.043 tỷ đồng.

Cáo buộc cho rằng hành vi của ông Vượng đã xâm hại đến uy tín và hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước, làm giảm lòng tin của nhân dân và gây thiệt hại lớn về tài sản nhà nước, cần phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định.