Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) vừa có văn bản gửi Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo liên quan đến đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về cơ chế giá cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và triển khai trong tương lai.
Trước đó, EVN kiến nghị, "trước mắt cho phép các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tham gia thị trường điện được thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay và không vượt quá khung giá phát điện của loại hình nguồn điện tương ứng do Bộ Công Thương phê duyệt (việc chào giá và công bố công suất từng chu kỳ giao dịch tuân thủ quy định vận hành thị trường điện)".
Đồng thời, EVN cũng đề nghị Bộ Công Thương không giao EVN đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện các dự án này vì không khả thi.
Về vấn đề này, quan điểm của Cục Điều tiết điện lực là EVN - với vai trò là đơn vị mua điện trong thị trường điện, phải có trách nhiệm đàm phán, thỏa thuận với đơn vị phát điện tham gia thị trường điện để thống nhất cả về giá và sản lượng hợp đồng, quy định tại hợp đồng mua bán điện theo mẫu quy định tại Thông tư số 57 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Cục Điều tiết điện lực cho biết, cơ sở pháp lý để đơn vị phát điện năng lượng tái tạo tham gia thị trường điện là theo quy định tại Khoản 2 Điều 4, Thông tư số 45, các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo (không phải thủy điện) có công suất đặt lớn hơn 30MW được quyền lựa chọn tham gia thị trường điện.
Trường hợp đơn vị phát điện có nhu cầu tham gia thị trường điện, theo quy định của thông tư số 24, nhà máy điện phải đáp ứng thêm các yêu cầu là hoàn thành nghiệm thu đưa vào vận hành các hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin thị trường điện, đồng thời hoàn thành ký hợp đồng mua bán điện để đáp ứng việc thanh toán theo các quy định về vận hành thị trường điện.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện vẫn còn nhiều dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời đã triển khai trên thực tế nhưng không vào kịp thời hạn được hưởng giá FIT. Trong đó, có 62 dự án điện gió, tổng công suất 3.479 MW, đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN; nhưng do giá FIT hết hạn nên chưa có giá bán điện. Ngoài ra, còn có 5 dự án/phần dự án điện mặt trời, tổng công suất 452,62 MW cũng đang chờ xác định giá bán điện, một số dự án khác cũng đã triển khai dở dang.
Cuối tháng 8, Công ty Mua bán điện thuộc EVN đã có văn bản thông báo dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW. Theo đó, EVN dừng khai thác công suất 172,12MW kể từ 0h ngày 1/9 do chưa có cơ chế giá điện.
Tập đoàn Trung Nam ngay sau đó đã có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN và Công ty Mua bán điện để kiến nghị tiếp tục huy động công suất chưa có giá bán điện. Theo Trung Nam, dự án điện mặt trời 450MW là dự án đầu tư có điều kiện được Ninh Thuận lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định. Bên cạnh đó, nhà đầu tư đã xây dựng trạm biến áp, đường dây 500kV với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng và sẽ bù đắp bằng doanh thu bán điện từ việc khai thác toàn bộ công suất dự án 450MW. Việc không được huy động sẽ làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án.
Tại hội thảo về Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia, do Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tổ chức ngày 23/9, ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc trung tâm năng lượng tái tạo (Viện Năng lượng) cho rằng cần tiếp tục huy động sản lượng điện từ các nhà máy năng lượng tái tạo.
Ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: "Nhiều nhà máy điện tái tạo đã xây dựng, đi vào vận hành, tuy nhiên lại không bán được điện do chưa có giá điện. Vấn đề này vượt quá thẩm quyền của EVN hay Bộ Công Thương, cho nên để giải quyết cần cấp có thẩm quyền cao hơn xem xét thấu đáo bằng văn bản nhằm hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân".
"Việc mua điện này là vấn đề sống còn với các nhà đàu tư. Trong một số trường hợp ngành điện cần làm đúng hợp đồng đã ký kết, huy động, ghi nhận sản lượng điện và trả tiền sau khi có mức giá cho dự án", ông Tuấn nêu ý kiến.