Trong nhà trường, ngoài lãnh đạo, giáo viên tham gia hoạt động giảng dạy còn có nhân viên trường học. Họ là những người làm công tác như nhân viên thư viện, thiết bị, công nghệ thông tin, kế toán, thủ quỹ, văn thư, y tế.
Nhân viên trường học: "Trăm dâu đổ đầu tằm"
Lâu nay, chúng ta thường hay đề cập đến vấn đề lương giáo viên thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn mà ít nhắc đến nhân viên trường học - những người góp phần không nhỏ vào việc vận hành hoạt động của cơ sở giáo dục nhưng chế độ đãi ngộ cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Một số nhân viên trường học than rằng họ mang phận “con ghẻ” của ngành. Ở trường, trăm công nghìn việc đến tay bộ phận này nhưng thu nhập lại chẳng đáng là bao.
Thực tế, nhiều nhân viên thư viện, kế toán, văn thư… thực hiện các công việc liên quan giáo dục nhưng hầu như không có ưu đãi. Công tác trên 10 năm, thu nhập chưa đến 4 triệu đồng đã làm họ mất dần sự tâm huyết, tình yêu với công việc.
Chị T.T.H (35 tuổi) có thâm niên 10 làm nhân viên thư viện của một trường học ở Hà Nội. Ngày làm việc của chị bắt đầu từ 7h30 và kết thúc vào 17h.
Nhiều người nói nhân viên thư viện là công việc nhàn hạ. Vào giờ ra chơi, học sinh đến thư viện muốn đọc gì đều tự đọc, thậm chí không có học sinh nào lên thư viện, nhân viên càng nhàn rỗi. Nhưng chị H. nói đó chỉ là "bề nổi của tảng băng".
Trường có nhiều hoạt động ngoại khóa, đặc biệt, gần đây trường đẩy mạnh việc phát triển văn hóa đọc, công việc chị H. không hề nhẹ nhàng.
"Ngoài tham gia xây dựng các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, tổ chức lễ hội đọc sách, tuyên truyền văn hóa đọc, tôi còn phải sắp xếp sách theo danh mục, nhập sổ sách mới, cho mượn sách, thống kê lượng học sinh đọc, ghi chép tên học sinh/giáo viên mượn sách.
Tôi cũng phải tham gia lên kế hoạch hàng tháng đáp ứng yêu cầu của ban giám hiệu, đề xuất mua sách mới, thống kê sách cũ, lập bảng thống kê và thanh lý sách”, chị H. nói.
Bên cạnh những việc chuyên môn trên, chị H. cũng phải kiêm nhiệm không ít việc không thuộc trách nhiệm của một nhân viên thư viện.
“Đôi khi, tôi bị phân công đánh máy văn bản, phô tô tài liệu, đề kiểm tra, đề ôn tập cho học sinh. Đó là chưa kể những việc không tên như lo việc trà nước cho ban giám hiệu khi có khách. Khách về, tôi lại tranh thủ rửa ấm chén.
Vào các ngày Rằm, mùng 1, tôi kiêm luôn việc mua hoa quả, cỗ bàn thắp hương. Những dịp trường liên hoan, cũng một tay tôi lo liệu. Chưa kể, tôi cùng chị lao công tham gia lau dọn, vệ sinh bàn ghế học sinh”, chị H. ngán ngẩm nói.
Kể về thu nhập, chị H tủi thân cho biết thâm niên làm hơn 10 năm nhưng thu nhập của chị chỉ 4 triệu đồng/tháng "bằng nửa thu nhập của những người làm nghề giúp việc hiện nay". Để duy trì cuộc sống, chị bán trà đá - công việc phụ nhưng lại cho chị thu nhập chính.
"Mức lương không đủ lo cho gia đình, cách đây 4 năm tôi và chồng bàn nhau mở một quán trà đá nhỏ ở cạnh khu chung cư.
Vì ban ngày phải đến trường nên quán trà đá của tôi chỉ mở vào buổi tối. Cũng may có lượng khách khá đông nên mỗi tháng tôi có thêm 5-6 triệu đồng”, chị H. ngậm ngùi.
Bỏ nghề vì lương thấp
Là nhân viên thiết bị tại một trường THCS ở Hà Nội, sau 7 năm gắn bó với nghề, anh N.V.K quyết định nghỉ việc với lý do mức lương không thể đảm bảo chi phí sinh hoạt trong gia đình.
Công việc của anh K. là quản lý, bảo quản, lưu giữ cũng như sửa chữa những thiết bị đơn giản... nói đơn giản là quản lý đồ dùng dạy học.
"Làm lâu năm, có kinh nghiệm nên công việc cũng không áp lực với tôi. Ví dụ, giáo viên nào muốn mượn đồ dùng, thiết bị phục vụ dạy học sẽ gọi điện trước cho tôi chuẩn bị, hết giờ mang xuống trả".
Ngoài ra, anh được hiệu trưởng phân công thêm việc sửa chữa đường truyền internet cũng như máy tính trong văn phòng nhà trường. Công việc của người nhân viên này không quá nhàn rỗi nhưng do có kinh nghiệm làm việc, sắp xếp khoa học nên thời gian hành chính, anh vẫn có những khoảng rảnh rỗi nhất định.
“Với mức lương 4 triệu đồng/tháng, tôi phải tranh thủ làm việc khác để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Cũng may, vợ tôi có cửa hàng kinh doanh gạo cách trường 2km nên hễ có thời gian rảnh, tôi chạy qua phụ vợ ship gạo cho khách. Những khách ở xa, phí ship là 80 -100 nghìn đồng, chưa kể khách nào hào phóng, thấy nắng nóng, vất vả còn cho thêm tiền. Tính ra, nguồn thu của tôi từ công việc tay trái này không hề nhỏ”, anh K. kể.
Vì thế sau 7 năm gắn bó với trường, anh K. quyết định nghỉ việc để về toàn tâm phụ vợ bán gạo. Không khỏi tiếc nuối nhưng anh chia sẻ "không còn lựa chọn nào khác".
“Thay vì làm nhân viên thiết bị tại một trường nên linh động cho chúng tôi làm việc tại 2-3 trường, sau đó có thêm phụ cấp. Mức lương 4 triệu/tháng không bằng thu nhập của một người giao hàng hay thợ xây vì vậy việc rẽ hướng để tìm kế sinh nhai là chuyện một sớm một chiều”, anh nói thêm.
Ngày 5/8 vừa qua, trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng GD-ĐT và những người công tác trong ngành Giáo dục, câu chuyện lương đã làm nóng cuộc đối thoại.
Bộ GD-ĐT tiếp nhận hơn 6.500 ý kiến từ các cấp học. Nhiều ý kiến mong muốn Bộ trưởng xem xét về chế độ chính sách đối với giáo viên để đảm bảo cuộc sống. Hiện nay, thu nhập của giáo viên còn thấp so với mức sống của toàn xã hội, dẫn đến việc nhiều giáo viên phải dành thời gian để đi làm thêm ngoài giờ lên lớp, từ đó hạn chế tới thời gian tự học, tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân.
Mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống là một trong những lý do khiến nhiều giáo viên muốn bỏ nghề và đã bỏ nghề rẽ sang hướng khác. TS Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, khẳng định thực tế, nhiều giáo viên ở lại với nghề cũng đang phải làm thêm nhiều việc khác để đảm bảo cuộc sống.
Do đó, nếu Nhà nước không kịp thời có những chính sách hỗ trợ giáo viên số lượng thầy cô giáo bỏ việc thời gian tới có thể còn gia tăng. Các giáo viên đều mong muốn có giải pháp để giúp nâng cao hơn thu nhập, có thể toàn tâm toàn ý cho công việc dạy học.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành; trước hết cân nhắc để có thể nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học. Bước đầu, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%.
Về ý kiến liên quan đến phụ cấp nhân viên trường học, theo Bộ trưởng, đây là nhóm chịu nhiều thiệt thòi, lương thấp, dù đã được hưởng phụ cấp ưu đãi tương ứng với công việc chuyên môn. Do đó sẽ phải tính đến việc điều chỉnh chính sách trong tương lai.
Nhiều giáo viên thổ lộ mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống là một trong những lý do khiến họ muốn bỏ nghề và thực tế không ít đã bỏ nghề, rẽ sang hướng khác.
Liên quan đến vụ việc hơn 300 giáo viên kiến nghị vì mất cơ hội tăng lương, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ có văn bản hướng dẫn trên tinh thần đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho giáo viên.
'Lúc mới vào nghề, chứng kiến một chị đồng nghiệp bị phụ huynh xông vào tát, tôi thấy thương cái nghề của mình biết bao. Người ta nói áp lực tạo nên kim cương nhưng nghề mầm non áp lực tạo nên quyết định nghỉ việc", cô giáo ở Quảng Bình trải lòng.