Với thu nhập hàng tháng là 2.000 NDT (7 triệu đồng), một người có thể ăn uống lành mạnh, kết bạn, học tập, và có một khoản tiền gửi hàng. Với ngôn ngữ hài hước và cách phân tích có cơ sở, bài đăng về quản lý tài chính trên diễn đàn của Trung Quốc đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cư dân mạng. Có lời khen ngợi cũng có ý kiến nghi ngờ xoay quanh phương pháp quản lý tài chính này.
Phần lớn cư dân mạng khen ngợi chủ nhân bài đăng vì thái độ sống tích cực và cách sử dụng thu nhập có kế hoạch. Tác giả bài đăng còn được cư dân mạng mệnh danh là "Ông hoàng tài chính". Chỉ cần tìm kiếm từ khoá này trên Baidu, bạn có thể tìm thấy 135.000 kết quả liên quan trong vòng 0,04 giây.
Vậy "ông hoàng quản lý tài chính" đáng kinh ngạc đến mức nào? Vì sao người này nhanh chóng được cư dân mạng "yêu mến" đến vậy, và kế hoạch quản lý thu nhập này đã hợp lý chưa? Hãy cùng tìm hiểu qua "nguyên tắc chia 5" dưới đây để hiểu rõ hơn.
Chia thu nhập 7 triệu hàng tháng thành 5 phần
"Nguyên tắc chia 5" này vừa vặn phù hợp với nguyên tắc quản lý tài chính của tỷ phú Lý Gia Thành, giúp người trẻ nâng cao thu nhập và trở nên giàu có trong 5 năm.
Những chia sẻ phía sau sự thành công của mỗi tỷ phú đều là bài học quý báu, ở đó, chúng ta cũng có thể đúc rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Bí quyết của tỷ phú Lý Gia Thành, người được mệnh danh là "Warren Buffett châu Á" không phải là ngoại lệ. Ông là người gây dựng hai tập đoàn lớn CK Hutchison Holdings và CK Asset Holdings. Hơn hai thập kỷ qua, tỷ phú Lý Gia Thành luôn giữ vững ngôi vị người giàu nhất Hong Kong (Trung Quốc) và liên tục góp mặt trong bảng xếp hạng tỷ phú của tạp chí Forbes.
Tỷ phú này được coi là tượng đài của nền kinh tế Hong Kong, không đơn giản chỉ vì ông sở hữu khối tài sản khổng lồ. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, con đường làm giàu của ông là chuỗi ngày cực nhọc từ tuổi 15. Chính sự nhạy bén trong kinh doanh và bản lĩnh phi thường đã truyền cảm hứng cho các thế hệ người trẻ khao khát vươn lên thành công.
Quay lại với bài đăng nổi tiếng, "Ông hoàng quản lý tài chính" có viết: "Giả sử thu nhập hàng tháng của bạn chỉ là 2.000 NDT, thì bạn có thể sống tốt". Ông ấy chia thu nhập 7 triệu hàng tháng thành 5 phần, cụ thể như sau:
Khoản 1: Chi phí sinh hoạt
Phần đầu tiên là 30% thu nhập, tương đương 2,1 triệu đồng được sử dụng để chi trả sinh hoạt phí hằng ngày. Tiền sinh hoạt như vậy trung vậy là 70 nghìn đồng một ngày. Để tiết kiệm chi phí ăn uống, cách tốt nhất là bạn nên tự nấu cơm. Chưa kể, tự nấu ăn còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nếu bạn còn trẻ và cơ thể khoẻ mạnh thì có thể làm biếng một chút nhưng vẫn phải đảm bảo đủ năng lượng. Bữa sáng bạn có thể ăn 1 quả trứng luộc với 1 cốc sữa đậu nành. Bữa trưa ăn ngoài, gọi món đầy đủ và thêm chút trái cây; tự nấu bữa tối tại nhà. Công thức như vậy sẽ đủ để bạn không gặp vấn đề gì về sức khỏe trong vài năm.
Khoản 2: Cho các mối quan hệ
Có một câu nói nổi tiếng trên mạng với đại ý: nếu muốn đi nhanh hãy đi một mình, còn muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Hãy xây dựng, mở rộng các mối quan hệ cá nhân để cơ hội nhiều khi đến từ chính vòng kết nối này. Khi bạn nghèo, bạn tiêu tiền của mình cho người khác; khi bạn giàu có, bạn tiêu tiền cho chính mình. Người có hiểu biết hơn bạn, giàu hơn bạn hay những người có thể giúp bạn trong công việc làm ăn đều là những đối tượng bạn nên giao du.
Dành khoảng 20% thu nhập, tương đương 1,4 triệu đồng cho mục này là hợp lý. Bạn nên mời cơm bạn bè 2 lần/tháng, chi phí khoảng 1 triệu đồng. Sau một năm, chắc chắn bạn sẽ có những khác biệt thấy rõ.
Khoản 3: Cho học tập
Dù bạn vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường hay đã hoà mình vào dòng chảy của xã hôi thì học tập vẫn là điều cần thiết nếu muốn phát triển bản thân. Bạn có thể dành 80.000 đồng - 350.000 đồng một tháng để mua sách. 700.000 đồng còn lại dùng để đăng kí một khoá học ngắn hạn để hiểu biết thêm một kĩ năng mới nào đó cũng hay đấy chứ?
Khi thu nhập của bạn cao hơn, hoặc bạn vẫn còn tiền dư, bạn có thể tham gia các khóa đào tạo cao cấp hơn. Trong giai đoạn đại dịch vẫn còn phức tạp, học online chắc chắn là một giải pháp hiệu quả vừa giúp nâng cao kiến thức mà lại không cần di chuyển nhiều. Tống số tiền dành cho việc học tập này sẽ chiếm khoảng 15% thu nhập, tương đương 1,05 triệu đồng.
Khoản 4: Du lịch
Khoản thứ 4 có thể sẽ khiến bạn bất ngờ, đó chính là dành một khoản cho việc đi du lịch. Để ra khoảng 10% thu nhập, tương đương 700.000 đồng và tự thưởng cho mình một chuyến đi gần ngắn ngày. Đi du lịch trải nghiệm, rong ruổi trên những chặng đường, thưởng thức những cảnh đẹp non sông, thử những món ngon đặc sản đều chẳng tốn quá nhiều kinh phí. Đôi khi không cần phải nhà hàng sang trọng, khách sạn năm sao, một chuyến phượt cũng mang đến cho bạn trải nghiệm tuyệt vời. Năm nào cũng có một chuyến đi như vậy sẽ để lại nhiều kỷ niệm đẹp, trở thành động lực sống, bạn sẽ có thêm nhiệt huyết và năng lượng để cống hiến hết mình cho công việc.
Khoản 5: Đầu tư
Có rất nhiều hình thức đầu tư không cần quá nhiều tiền mà bạn có thể chọn. Khi số tiền bạn kiếm được chưa nhiều, gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng là một cách đầu tư an toàn. Tới khi số tiền lãi tăng lên, bạn có thể thủ bắt đầu với việc bán hàng, kinh doanh online hoặc góp vốn để mở homestay, quán ăn chẳng hạn. Kinh doanh nhỏ rất an toàn, mở tài khoản trên các sàn thương mại điện tử, thử nhập hàng về bán trên đó, dù sao lỗ cũng không nhiều.
Nếu trong tay đã có một khoản kha khá, bạn cũng có thể bắt đầu lập một kế hoạch đầu tư dài hạn. Thế nhưng, bạn nên nhớ khởi đầu từ quy mô nhỏ rồi mới mở rộng tới quy mô lớn hơn để không bị rủi ro, nản chí khi gặp thua lỗ, thất bại. Trích khoảng 25% thu nhập, tương đương hơn 1,7 triệu đồng cho các khoản đầu tư sẽ là mức hợp lý.
Quản lý tài chính là việc đòi hỏi phải có đủ kiên nhẫn. Tỷ phú Lý Gia Thành tin rằng sẽ không hiệu quả nếu chỉ quản lý tài chính trong một thời gian ngắn. Muốn muốn giàu lên một cách nhanh chóng mà không phải đánh đổi là điều không thực tế.
Cơ hội kiếm tiền chỉ đến với ai biết nhìn nhận, nắm bắt. Áp dụng "nguyên tắc chia 5" của tỉ phú Lý Gia Thành, sau 1 năm, bạn không chỉ tăng tài sản của mình mà còn làm tăng cả giá trị bản thân. Không có khó khăn nào là không thể vượt qua nếu bạn có đủ bản lĩnh. Chi tiêu có kế hoạch là phương pháp thông minh trên con đường làm giàu.
Mục tiêu rõ ràng, tâm thế kiên trì và thái độ tích cực
Dựa trên "nguyên tắc chia 5", bất kể thu nhập của bạn là bao nhiêu, hãy nhớ chia nó thành năm phần. Tăng cường đầu tư vào cơ thể để giữ cho sức khoẻ tốt; tăng cường đầu tư vào giao tiếp xã hội để mở rộng mạng lưới quan hệ; tăng cường đầu tư vào học tập để mở mang kiến thức; đầu tư vào du lịch để củng cố động lực; tăng đầu tư trong tương lai, tăng thu nhập của bạn.
Hãy giữ cho sự cân bằng này vòng lặp, và dần dần bạn sẽ bắt đầu có nhiều thặng dư.
Thu nhập 7 triệu đồng một tháng, đối với những người sống ở các thành phố lớn vẫn được coi là vật lộn trên con đường cơm áo, hoặc nhiều nhất là một điểm khởi đầu. Sau một năm làm việc chăm chỉ, áp dụng "nguyên tắc chia 5" trong quản lý chi tiêu, nếu thu nhập của bạn vẫn là 7 triệu đồng thì cần xem lại việc phát triển bản thân.
Vì vậy, làm thế nào bạn có thể tăng thu nhập của mình mà không cần thay đổi công việc? Theo bài đăng, những người có thu nhập hàng tháng dưới 10 triệu đồng nên đi làm thêm để kiếm tiền. Mức thu nhập này không tính là nghèo, nhưng cũng không phải quá cao.
Công việc ưu tiên khi làm thêm là công việc có liên quan đến bán hàng. Trong quá trình làm việc, bạn có thể gặp gỡ nhiều người có giá trị và rèn luyện khả năng thu thập thông tin và kỹ năng tiếp thị. Những hiểu biết mới cộng thêm kỹ năng quản lý tài chính tối ưu, thu nhập hàng tháng của bạn sẽ tăng lên ít nhất 15 triệu đồng trong năm thứ hai. Mức tối thiểu phải là 10 triệu đồng, nếu không tăng trưởng thu nhập của bạn sẽ không theo kịp lạm phát.
Cuộc sống có thể được thiết kế, sự nghiệp có thể được lên kế hoạch, và hạnh phúc có thể được chuẩn bị. Bạn còn chần chờ gì mà không bắt đầu ngay bây giờ?
(Theo Sohu/ Tổ Quốc)