Ngày 18/6, tại Đà Nẵng, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức khai mạc hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 năm 2022 với chủ đề xuyên suốt "Vì sao chúng ta viết?". Hội nghị có gần 140 đại biểu được lựa chọn từ hàng trăm đề cử thuộc các chuyên ngành: Thơ, văn xuôi, lý luận phê bình, dịch thuật… đến từ nhiều địa phương, ngành nghề, công việc khác nhau, cho thấy sự đa dạng trong đội ngũ những người viết trẻ. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư và quà cho hai đại biểu đặc biệt. Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi quà tặng các đại biểu viết văn trẻ dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: "Chủ đề của hội nghị là một câu hỏi vừa dễ, lại vừa khó mà các nhà văn trẻ khi cầm bút cần phải trả lời. Hội Nhà văn Việt Nam đã rất nỗ lực để tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, hiệu quả cho các nhà văn, đặc biệt là thế hệ nhà văn trẻ. Xưa nay, những nhà văn có tác phẩm để đời không chỉ tài năng mà còn có tâm hồn đẹp, đó là sự cống hiến ý nghĩa cho đời sống văn hóa, lịch sử của đất nước và nhân dân. Chúng ta đang sống trong thời đại tiến bộ, rộng mở, nhưng phải đương đầu với nhiều thách thức, trong đó có con đường làm người và bảo vệ những giá trị mang tên người để làm nên giá trị vĩnh hằng.
Chủ đề của hội nghị “Vì sao chúng ta viết?”, đồng thời là câu hỏi phải luôn được vang lên ở bất cứ điều kiện nào khi nhà văn cầm bút. Họ cần viết bằng sự rung động, sáng tạo để vẻ đẹp ấy dù bất cứ thăng trầm nào vẫn ngập tràn giá trị trong đời sống. Mỗi trang viết phải là những nhịp cầu lớn lao, mạnh mẽ và bền chắc để mang yêu thương đến đời sống con người...”.
Đề cập tới vấn đề kế hoạch đào tạo các nhà văn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, luôn có các chương trình đào tạo về văn học trong các nhà trường và tới đây sẽ tăng cường về số lượng, nâng cao chất lượng nhà văn. Quan trọng hàng đầu vẫn là tài năng của từng cá nhân được khơi dậy và phát huy.
Với bài diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khẳng định, hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 là cho cái Đẹp và Tự do. Và, tương lai của nền văn học Việt Nam phụ thuộc vào sự dấn thân của các nhà văn trẻ trên con đường sáng tạo của mình.
Với chủ đề "Vì sao chúng ta viết?", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định: "Chúng ta viết bởi sự rung động trước cái Đẹp của thiên nhiên, của văn hóa và của con người. Những vẻ đẹp ấy dù trong bất cứ thăng trầm nào của lịch sử vẫn ngập tràn trong đời sống và đợi chờ chúng ta. Chúng ta muốn dùng trái tim, sự thấu hiểu và nghệ thuật ngôn từ để mở ra những vẻ Đẹp ấy và lan tỏa những vẻ Đẹp ấy cho con người. Nhà văn danh tiếng Konstantin Paustovsky nói: ‘’Niềm vui của nhà văn chính là niềm vui của người dẫn đường đến xứ sở cái Đẹp’’. Nếu văn chương không đưa con người tới vương quốc của cái Đẹp thì nó sẽ đưa con người đến một nơi chốn ngược lại.
Chúng ta viết bởi chúng ta nhận ra trong thời đại chúng ta đang sống vẫn ẩn chứa nhiều tội ác. Đó là những cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, đó là những cuộc chiến tranh tàn khốc, đó là sự áp đặt độc tài của một người này với một người khác, của một quốc gia này với một quốc gia khác. Và nhà văn khi cầm bút chính là bước vào cuộc chiến đấu chống lại tội ác đó;
Chúng ta viết bởi lòng hận thù giữa con người với con người đang có nguy cơ lan rộng trong mỗi nơi chốn con người đang sống. Bởi nhân phẩm con người đâu đấy trên thế gian này vẫn đang bị đối xử bằng bạo lực và bị định giá bằng vật chất. Sự hận thù là đồng minh của bóng tối. Mỗi trang viết của nhà văn phải thắp lên một ngọn lửa để xua đi bóng tối ấy. Nếu không làm được như vậy thì những gì chúng ta viết ra có nguy cơ trở thành kẻ đồng lõa với bóng tối, với tội ác. Và mỗi trang viết của chúng ta phải là những nhịp cầu bắc qua những ngăn cách, những vực sâu của hận thù để mang yêu thương tới mỗi con người.
Chúng ta viết bởi hiện thực cho chúng ta nhận ra rằng chủ nghĩa nhân văn đang bị tàn phá nghiêm trọng trong đời sống tinh thần của con người. Nhà văn danh tiếng Nguyễn Minh Châu nói: ‘’Nhà văn rất cần thiết có mặt ở trên đời để làm công việc cảnh tỉnh nhân loại và báo hiệu trước những tai họa’’. Và tai họa lớn nhất mà con người phải gánh chịu là sự suy tàn của những vẻ đẹp nhân tính. Khi nhân tính bị thay thế bằng bất cứ một thứ nào khác thì thế gian này sẽ trở thành thế giới của hoang thú. Và nhà văn, bằng trái tim rực nóng, bằng nhãn quan minh triết và bằng lòng can đảm của mình phải nhìn ra và lên tiếng về những gì đang đe dọa nhân tính, đang lừa mị nhân tính và đang tìm cách tha hóa nhân tính;
Chúng ta viết bởi chúng ta đã chấp nhận danh phận nhà văn với niềm kiêu hãnh và sứ mệnh nặng nề. Nhà văn danh tiếng Anton Chekhov nói: ‘’Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy’’. Văn học phải là những văn bản kỳ vĩ nhất của chủ nghĩa nhân đạo với sự sáng tạo ngôn từ, và nhà văn phải là những hiệp sĩ chiến đấu đến cùng để chống lại những kẻ thù của chủ nghĩa nhân văn.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: "Trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: ”Văn hóa soi đường quốc dân đi’’. Nếu một dân tộc không nhận biết được văn hóa hay không thực sự coi trọng văn hóa thì dân tộc ấy sẽ trở thành một dân tộc suy đồi dù sớm hay muộn. Và văn học là phần vô cùng quan trọng làm nên văn hóa. Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra tại thủ đô Hà Nội vào ngày 24/11/2021 tái khẳng định chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra.
Chính vì sự quan trọng tối thượng của văn hóa mà hôm nay chúng ta có mặt tại đây để cùng nhau tuyên xưng cái đẹp và lẽ phải và gửi đi thông điệp này, đồng thời xác lập một lần nữa con đường của nhà văn. Và để chúng ta đặt cược lòng tin vào những thế hệ trẻ Việt Nam trong đó có thế hệ các nhà văn trẻ. Nếu chúng ta thất bại trọng cuộc đặt cược lớn lao này, thì tương lai của chúng ta thất bại mà nhân dân sẽ là người thất bại đầu tiên và đau đớn nhất.
Nhưng điều mang tính sống còn của mọi nhà văn và mọi nền văn học là lương tri. Nếu mỗi trang viết của nhà văn không chứa đựng lương tri của con người và của dân tộc mình thì những gì họ viết ra lại trở thành sự phản bội chính nghệ thuật mà họ theo đuổi".
Mai Anh