Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên đầu tiên để bàn về tiền lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2024.
Theo nguồn tin từ phiên họp, do còn nhiều ý kiến khác nhau, khó tìm được tiếng nói chung, Hội đồng thống nhất tạm thời chưa chốt thời gian phiên họp thứ 2 để bàn lương tối thiểu vùng năm 2024.
Hội đồng sẽ báo cáo cấp thẩm quyền về việc các bên trong Hội đồng còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa tìm được tiếng nói chung về lương tối thiểu vùng năm tới. Dự kiến, Hội đồng sẽ họp lại vào cuối năm nay.
Việc lùi chương trình làm việc của Hội đồng Tiền lương quốc gia để các bên có đánh giá rõ hơn tình hình thị trường lao động, việc làm và sự phục hồi của doanh nghiệp trước khi đưa ra khuyến nghị Chính phủ một phương án cụ thể.
Phương án lương tối thiểu vùng được khuyến nghị trên cơ sở phương án được đa số thành viên Hội đồng đồng thuận.
Tại phiên họp sáng nay, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đưa ra kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 thêm 5-6% so với hiện hành.
Tuy nhiên, trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, Tổng Liên đoàn Lao động chỉ là một bên tham gia, Hội đồng còn có đại diện của người sử dụng lao động (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), Liên minh Hợp tác xã, đại diện các hiệp hội sử dụng nhiều lao động, chuyên gia độc lập.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, doanh nghiệp mong muốn có nhiều việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phải gồng mình để duy trì việc làm nên việc tăng lương tối thiểu ngay là chưa thể.
Theo các chuyên gia, việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 là quyết định khó do xu hướng kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tình trạng lao động thiếu việc làm, thất nghiệp vẫn có thể tăng. Trong khi đó, cuộc sống người lao động cũng không dễ thở do giảm thu nhập vì thiếu việc làm.