Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã thống nhất cao với nội dung đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình.
Tại sao hợp nhất Hưng Yên và Thái Bình?
Theo dự thảo đề án hợp nhất, 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh này có vị trí liền kề, có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử; giao thoa tương đồng về văn hóa, phong tục, tín ngưỡng và dân tộc.
Bên cạnh đó, 2 tỉnh có quy mô nền kinh tế tương đương, tương hỗ lẫn nhau trong định hướng phát triển chung của vùng và có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ giữa 2 tỉnh.

Việc sắp xếp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình gắn liền với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc hợp nhất 2 tỉnh còn phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển của các đơn vị hành chính nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững trong giai đoạn mới.
Vì vậy, việc nghiên cứu phương án sắp xếp tỉnh Hưng Yên với tỉnh Thái Bình là phù hợp với chủ trương của Trung ương.
Sắp xếp 2 tỉnh này sẽ hình thành một tỉnh có quy mô kinh tế lớn của vùng đồng bằng sông Hồng, với sự kết hợp giữa công nghiệp, dịch vụ và kinh tế ven biển, du lịch; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, quỹ đất phát triển gắn với lợi thế về kết nối liên vùng, giao thương nội địa và phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, nông nghiệp.
Tên gọi tỉnh mới được đông đảo cử tri đồng tình ủng hộ
Sau hợp nhất, tỉnh mới sẽ lấy tên là Hưng Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay. Tỉnh Hưng Yên mới có diện tích tự nhiên trên 2.514km2, quy mô dân số hơn 3,56 triệu người, dự kiến có 104 đơn vị hành chính cấp xã.
Về lý do đề xuất đặt trụ sở trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Hưng Yên mới tại tỉnh Hưng Yên hiện nay, dự thảo đề án nêu rõ, Hưng Yên nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, gần thủ đô Hà Nội và các tỉnh kinh tế trọng điểm như Hải Dương, Bắc Ninh và Hà Nam.
Điều này giúp kết nối giao thông thuận tiện và thúc đẩy giao thương, hợp tác kinh tế. Bên cạnh đó, tỉnh có hệ thống giao thông đa dạng, bao gồm quốc lộ, tỉnh lộ và đường thủy.

Các tuyến đường lớn như quốc lộ 5A, quốc lộ 39A và sông Hồng tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và vận chuyển hàng hóa.
Hơn nữa, Hưng Yên đang phát triển mạnh về công nghiệp và dịch vụ, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, đáp ứng các điều kiện về cơ sở hạ tầng để chính quyền tỉnh mới tổ chức hoạt động.
Khu vực dự kiến đặt trụ sở có tỷ lệ đô thị hóa rất cao, dân cư tập trung đông đúc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong sinh hoạt, sản xuất, học tập, giao dịch hành chính và quản lý của chính quyền địa phương sau khi sắp xếp.
Đề án nêu, việc đặt tên đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp là “tỉnh Hưng Yên” là phù hợp vì địa danh này là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hiến và truyền thống cách mạng.
Tên gọi này đã xuất hiện từ thời vua Minh Mạng năm 1831, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, hiện đã có độ nhận diện cao trong cả nước, gắn liền với các giá trị thương mại, giáo dục và công nghiệp.
Bên cạnh đó, việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp nhằm hạn chế xáo trộn, giảm khối lượng công việc để thực hiện các thủ tục chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho các tổ chức, cá nhân ở các đơn vị hành chính chịu sự tác động và tránh lãng phí.

Đồng thời, Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đóng vai trò kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh duyên hải, tên gọi này phù hợp với định hướng phát triển vùng và quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc đặt tên đơn vị hành chính, UBND tỉnh Hưng Yên và UBND tỉnh Thái Bình thực hiện theo đúng quy định và được đông đảo cử tri trên địa bàn đồng tình ủng hộ.
Tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình thực hiện sắp xếp là 64.628 người (gồm 11.697 cán bộ, công chức, 51.250 viên chức, 1.598 người lao động và 83 biên chế các hội).
Việc bố trí cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại tỉnh Hưng Yên mới sau sắp xếp thực hiện theo quy định của Trung ương và tỉnh.

Quảng Nam sửa phương án đặt tên xã, phường, không đặt theo số 1, 2, 3

Tiềm năng, lợi thế khi 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên hợp nhất
