Tôi uống thuốc tránh thai hai năm qua, cơ thể không có dấu hiệu khó chịu. Vừa qua tôi đọc báo thấy có trường hợp bị đột quỵ, tắc mạch liên quan đến thuốc này nên khá lo lắng. Mong bác sĩ giải thích nguyên nhân. (Nguyên An, 34 tuổi, Đồng Nai).
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Hồng Tuấn, Trưởng Khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) tư vấn:
Thuốc tránh thai đường uống là biện pháp hiệu quả và phổ biến. Thuốc chứa 2 hoạt chất là estrogen và progestin cũng liên quan đến tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.
Phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai có thể tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch từ 2 đến 6 lần so với phụ nữ bình thường. Nguy cơ xảy ra cao nhất trong 6 tháng đầu dùng thuốc và trở về bình thường sau khi ngưng.
Ngoài ra, nguy cơ hình thành cục máu đông ở chị em phụ nữ dùng thuốc tránh thai sẽ tăng hơn khi bản thân có rối loạn tăng đông di truyền, hút thuốc lá, đái tháo đường...
Phụ nữ sử dụng thuốc này có nguy cơ nhồi máu cơ tim và thiếu máu não gấp 1,7 lần so với người không sử dụng; nguy cơ cao hơn ở người có tiền sử bệnh lý động mạch, béo phì, hút thuốc lá và trên 35 tuổi. Người có các yếu tố như trên được khuyến cáo không nên dùng thuốc tránh thai liên tục.
Vừa qua, Khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh điều trị cho một phụ nữ 37 tuổi bị thuyên tắc động mạch phổi. Chị vào viện với dấu hiệu khó thở, đau ngực, suy tim. Các bác sĩ quyết định dùng thuốc tiêu sợi huyết làm tan cục máu đông trong động mạch phổi cứu người bệnh.
Khai thác thông tin, người bệnh cho biết đã có 2 con nên dùng thuốc tránh thai hằng ngày kéo dài đã 15 năm.