Tôi uống thuốc tránh thai hàng ngày khoảng 11 năm. Tôi nghe nói uống thuốc tránh thai gây ung thư vú. Hiện nay, tôi ngưng sử dụng thuốc tránh thai. Tôi có nên đi sàng lọc ung thư vú không? Xin cảm ơn bác sĩ tư vấn. (Đặng Thị Ngọc - 32 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội)
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Kiều Hưng, Khoa Ngoại Gan mật - Tiêu hoá và Ung bướu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tư vấn:
Ung thư vú xảy ra khi các tế bào ung thư ác tính được phát hiện trong mô vú, tình trạng này thường phát triển từ các ống bên trong vú. Các tế bào ung thư sau đó có thể lan rộng ra toàn bộ vú và sang các bộ phận khác trên cơ thể.
Tầm soát ung thư vú là kiểm tra tuyến vú nhằm phát hiện các dấu hiệu ung thư sớm ở những người thuộc đối tượng nguy cơ nhưng không có triệu chứng ung thư vú. Những người cần phải tầm soát ung thư vú là phụ nữ ngoài 40 tuổi.
Ngoài ra, nhóm những phụ nữ được khuyến cáo cần đi sàng lọc ung thư vú đó là:
Phụ nữ uống thuốc tránh thai: Bởi nguy cơ ung thư vú tạm thời tăng lên khi sử dụng thuốc tránh thai kết hợp ở thời hiện tại và trước đó. Tuy nhiên, mối liên quan này biến mất trong vòng hai đến năm năm sau khi ngừng sử dụng.
Phụ nữ có chỉ số cơ thể BMI cao nguy cơ bị ung thư vú cao hơn. Tuy nhiên, nguy cơ ung thư vú liên quan đến chỉ số BMI khác nhau tùy theo tình trạng mãn kinh. Ví dụ, chỉ số BMI cao hơn hoặc tăng cân trong thời kỳ tiền mãn kinh thường liên quan đến nguy cơ ung thư vú cao hơn ở phụ nữ sau mãn kinh.
Phụ nữ mắc các bệnh vú lành tính như các tổn thương tăng sinh (đặc biệt là những tổn thương không điển hình mô học) có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư vú.
Phụ nữ có mô vú dày đặc trên phim chụp quang tuyến vú, thường được định nghĩa là mô dày đặc chiếm ≥75% của vú, có nguy cơ ung thư vú cao hơn so với phụ nữ cùng độ tuổi có ít hoặc không có mô dày đặc.
Phụ nữ có mật độ xương cao hơn có nguy cơ ung thư vú cao hơn. Đối với những phụ nữ có tiếp xúc lâu dài với estrogen nội sinh và ngoại sinh.
Nồng độ estrogen nội sinh cao hơn có liên quan đến nguy cơ ung thư vú cao hơn đặc biệt là bệnh dương tính với thụ thể hormone ở cả phụ nữ sau mãn kinh và tiền mãn kinh.
Phụ nữ có nồng độ androgen (tức là testosterone) tăng cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư vú sau mãn kinh và tiền mãn kinh.
Phụ nữ có kinh nguyệt sớm hoặc muộn đều có liên quan đến nguy cơ ung thư vú hơn. Mãn kinh muộn hơn có liên quan đến nguy cơ ung thư vú cao hơn.
Phụ nữ không sinh con có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với phụ nữ đã sinh con. Phụ nữ mang thai lần đầu muộn hơn có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
Ung thư vú liên quan tới yếu tố di truyền nên phụ nữ có tiền sử gia đình những người mang gen đột biến BRCA 1 hoặc BRCA 2 có tỷ lệ mắc ung thư vú cao hơn. Ngoài ra, phụ nữ tiêu thụ rượu, hút thuốc, tiếp xúc với bức xạ ion hóa trị liệu làm tăng nguy cơ ung thư vú. Vì vậy, họ được khuyến cáo nên tầm soát sớm ung thư vú.