Cùng với số bệnh nhân Covid-19 tiếp tục gia tăng, Anh cũng đang trải qua một đợt bùng phát tái nhiễm.
Theo Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), trong một tuần (từ 14/3 tới 20/3), số bệnh nhân tái nhiễm (hai lần xét nghiệm cách nhau hơn 90 ngày) đã vượt qua 50.000 ca, chiếm 10% tổng số ca.
Ảnh minh họa: Imperial
Trong khi đó, vào tuần cuối tháng 2, Anh ghi nhận gần 20.000 ca tái nhiễm Covid-19. Tỷ lệ hằng tuần đang tăng ở tất cả các nhóm tuổi và đã tăng gần gấp đôi trong một tuần ở những người từ 30 tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, Anh cũng đạt mức tiêm vắc xin cao với 85,8% số người từ 12 tuổi trở lên đã chủng ngừa đầy đủ và 66,8% đã tiêm nhắc lại.
Ngoài ra, đến ngày 1/4, ước tính 99% dân số trưởng thành ở Anh có kháng thể Covid-19 nhờ vắc xin hoặc từng nhiễm bệnh.
Với mức độ miễn dịch bao phủ cao như vậy, tại sao nhiều người ở Anh lại tái nhiễm Covid-19?
BA.2 dễ lây lan hơn
Tiến sĩ Ali Mokdad, nhà dịch tễ học tại Đại học Washington (Mỹ), nói sự lan truyền của biến thể BA.2 chắc chắn đóng một vai trò trong việc gia tăng số ca tái nhiễm ở Anh.
"Thời gian cần thiết để hai người ngồi gần lây bệnh cho nhau ngắn hơn rất nhiều”, Tiến sĩ Mokdad giải thích.
BA.2, một nhánh của Omicron, đã trở thành biến thể thống trị ở Anh. Dữ liệu từ UKHSA ước tính BA.2 hiện chiếm 93,7% tổng số ca nhiễm ở Anh. Cách đây chưa đầy 2 tháng, con số này dưới 5%.
Một nghiên cứu của Thụy Điển ghi nhận BA.2 có thể dễ lây lan hơn do tải lượng virus trong mũi và cổ họng cao hơn so với BA.1.
Theo dữ liệu ban đầu từ Vương quốc Anh và Đan Mạch, vẫn có thể nhiễm BA.2 sau khi đã nhiễm BA.1 dù điều này ít xảy ra.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Mokdad cho rằng số người tham gia khảo sát quá thấp để đánh giá mức độ nghiêm trọng.
Mặc dù BA.2 dễ lây truyền hơn BA.1, nhưng dường như không làm tăng nguy cơ nhập viện.
Giáo sư David Heymann, Khoa Dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Anh), cho biết mọi người không nên lo lắng khi số ca tái nhiễm gia tăng do số ca nhập viện và tử vong vẫn ở mức thấp.
Ông nói: “Các loại vắc xin đang ngăn chặn bệnh tật nghiêm trọng và tử vong, ngay cả khi bạn tái nhiễm. Hiện tại, không có lý do gì để báo động bởi thống kê ở bệnh viện cho thấy Covid-19 vẫn là một bệnh nhẹ đối với người đã tiêm vắc xin”.
Miễn dịch suy giảm dần
Tiến sĩ Mokdad đánh giá, nhiều người đã tiêm liều vắc xin thứ hai, thứ ba, cách đây 5 đến 6 tháng nên hiện tại khả năng miễn dịch của họ sẽ suy yếu.
"Chúng tôi có nhiều bằng chứng, sau 3 tháng, khả năng miễn dịch của bạn giảm nhanh chóng. Sau 5 tháng, khả năng chống lại nhiễm bệnh về cơ bản còn 20%”.
Mũi nhắc lại của Pfizer hoặc Moderna chống lại Omicron là 60% và còn 40% sau 10 tuần.
Thay đổi hành vi
Các chuyên gia cho rằng những thay đổi hành vi sau khi những hạn chế được dỡ bỏ cũng có thể đóng một vai trò trong số ca tái nhiễm gia tăng.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bãi bỏ yêu cầu tự cách ly dù có kết quả xét nghiệm dương tính. Không còn các hoạt động truy vết, không phải đeo khẩu trang.
“Đột nhiên, các hạn chế được gỡ. Bạn có 30% hoặc 40% nguy cơ vì khả năng miễn dịch suy yếu và chưa tiếp xúc với BA.1 và BA.2 đang lưu hành”, Tiến sĩ Mokdad nói.
Giáo sư Daniel Altmann, Khoa Miễn dịch học và Viêm nhiễm tại Đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết điều này đã dẫn đến "sự nhầm lẫn" về cách ngăn ngừa tái nhiễm.
Ông nói: “Mọi người đang nhầm lẫn về sự an toàn - nhiều người đang đi làm và đi học dù biết bị nhiễm bệnh, ít người đeo khẩu trang hơn”.
An Yên (Theo ABC)