“Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm” là hồi chuông cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ngày 23/7, Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, tuyên bố sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm (PHEIC).
Kể từ đầu tháng 5, hơn 15.000 ca đậu mùa khỉ đã ghi nhận ở khoảng 60 quốc gia. Bệnh nhân thường bị sốt vài ngày, sưng hạch bạch huyết, sau đó phát ban, có thể để lại sẹo. Hầu hết các trường hợp trong đợt bùng phát hiện tại đã tự khỏi mà không cần nhập viện hoặc dùng thuốc. Tính đến ngày 7/7, đã có 3 người chết, tất cả đều ở châu Phi.
“Đợt bùng phát đã lan nhanh khắp thế giới thông qua các phương thức lây truyền mới mà chúng ta hiểu quá ít”, ông Tedros nói khi thông báo tình trạng khẩn cấp.
Theo Vox, ông Tedros đã đưa ra tuyên bố này bất chấp việc Ủy ban khẩn cấp của WHO về bệnh đậu khỉ đã không đi đến thống nhất có nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp hay không.
Lần gần đây nhất WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế là vào đầu năm 2020, đối với Covid-19. Mặc dù đậu mùa khỉ đang lây lan hiện nay ít nghiêm trọng hơn nhiều so với Covid-19 nhưng có những lý do chính đáng để WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Ana B. Amaya, chuyên gia về quản trị y tế toàn cầu tại Đại học Pace (Mỹ), thông tin, đợt bùng phát đậu mùa khỉ này rất khác với những đợt trước. Phần lớn các ca mới nhất được xác định là ở nam giới đồng tính, lưỡng tính và quan hệ tình dục với nhiều người là yếu tố nguy cơ quan trọng.
Các nhà khoa học đang cố gắng xác định xem virus có lây lan qua tinh dịch và dịch âm đạo hay không ngoài các cách lây lan quen thuộc như tiếp xúc da kề da và ở mức độ hiếm hơn là qua đường hô hấp.
Trước đây, đậu mùa khỉ thường lây lan trong các gia đình do tiếp xúc gần gũi và dùng chung các vật dụng như khăn trải giường. Trong vài tuần qua, các báo cáo về tình hình bệnh ở trẻ em làm tăng thêm nỗi lo nếu không có biện pháp ngăn chặn, các đợt bùng phát sẽ lan rộng ra ngoài quần thể nhiễm bệnh ban đầu.
Tuyên bố này sẽ khuyến khích các quốc gia phối hợp để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng khác với đại dịch
WHO không tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là một đại dịch mới. Theo từ điển Dịch tễ học, đại dịch được định nghĩa là “dịch bệnh xảy ra trên khu vực rất rộng, vượt qua các ranh giới quốc tế và thường ảnh hưởng đến một số lượng lớn người”.
Các chuyên gia y tế công cộng sử dụng cụm từ “đại dịch” để nhấn mạnh phạm vi toàn cầu của một đợt bùng phát, đòi hỏi sự phối hợp của quốc tế và có khả năng là đợt bùng phát quá lớn để ngăn chặn.
Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng mô tả một tình huống không nhất thiết đã vượt quá tầm kiểm soát, nhưng có khả năng xảy ra.
Theo WHO, tình trạng khẩn cấp cần có các yếu tố như bất thường hoặc bất ngờ, có khả năng lây lan ra quốc tế và cần có phản ứng quốc tế ngay lập tức.
Sự bùng phát đậu mùa khỉ dễ dàng đáp ứng hai tiêu chí đầu tiên: virus xuất hiện bên ngoài châu Phi là yếu tố bất thường và đã lây lan ra quốc tế, với các ca bệnh hiện có mặt ở khoảng 60 quốc gia. Rõ ràng cần có phản ứng toàn cầu với bệnh đậu mùa khỉ.
Trong lịch sử, WHO đã xếp 6 đợt bùng phát vào tình trạng khẩn cấp, bao gồm Ebola, Zika và Covid-19.
Tại sao WHO chờ đợi để tuyên bố tình trạng khẩn cấp?
Một số chuyên gia cho rằng đợt bùng phát này dễ dàng đáp ứng các tiêu chí khi WHO lần đầu tiên đưa ra bàn thảo cách đây một tháng.
“Có thể hội đồng đã quyết định thực hiện một cách tiếp cận thận trọng để tránh gây ra hoang mang”, chuyên gia Amaya nhận định.
Andrew Pekosz, nhà virus học chuyên về các mầm bệnh mới nổi, cho biết khi các cơ quan y tế công cộng tuyên bố khẩn cấp, đôi khi họ ưu tiên mức độ nghiêm trọng của bệnh hơn số ca nhiễm. Đậu mùa khỉ gây ra rất ít ca tử vong nên việc tuyên bố đợt bùng phát là tình trạng khẩn cấp toàn cầu vào tháng 6 có thể hơi quá, ngay cả khi hàng nghìn người đã bị nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, nhà virus học Pekosz nghĩ đó là một sai lầm.
“Chúng ta càng để virus nhân bản nhiều hơn thì càng có nhiều khả năng những virus này sẽ trở nên lây nhiễm hiệu quả hơn”, ông Pekosz nói. Mặc dù virus đậu mùa khỉ ít đột biến hơn so với SARS-CoV-2, nhưng có thể tích lũy các đột biến theo thời gian.