“Chúng tôi đang tìm kiếm mọi khả năng có thể, nhưng tôi buộc phải nói rằng số xe tăng Leopard 2A4 ở thành phố Zaragoza đã không được sử dụng trong nhiều năm. Bởi vậy, việc gửi số khí tài này đến Ukraine là không thể do tình trạng của chúng ‘hoàn toàn thảm thương’”, hãng tin Al Pais dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles nói tại Căn cứ không quân Torrejon de Ardoz thuộc địa phận thành phố Madrid hôm 2/8.
“Chúng tôi không thể chuyển số xe tăng trên cho Ukraine, vì chúng sẽ gây nguy hiểm đối với những người sử dụng”, bà Robles nhấn mạnh.
Theo El Pais, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez trong chuyến thăm Kiev và hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng Sáu từng đưa ra đề nghị cung cấp xe tăng Leopard 2A4. Dù vậy, kế hoạch này đã buộc phải hoãn lại do vướng những vấn đề phức tạp về kỹ thuật, cũng như cần có được sự phê chuẩn chuyển giao vũ khí từ Quốc hội Đức.
Tới nay, giới chức Ukraine chưa đưa ra phản hồi về tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Robles.
Leopard 2 ‘báo hoa’ là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba được Tây Đức thiết kế và đưa vào trang bị trong quân đội từ năm 1979. Xe dài 9,67m (tính cả nòng pháo), rộng 3,7m, cao 2,48m và nặng khoảng 55,1 tấn. Kíp chiến đấu của xe có 4 người, gồm trưởng xe, lái xe, xạ thủ và liên lạc viên.
Leopard 2 được trang bị pháo nòng trơn Rheinmetall L/55 cỡ nòng 120mm cùng hai súng máy MG3A1 sử dụng loại đạn 7,62 x 51mm NATO. Một số chuyên gia quân sự nhận định, đạn xuyên giáp thoát vỏ ổn định bằng cánh đuôi (APFSDS-T) khi được bắn từ pháo Rheinmetall L/55 của Leopard 2 có thể xuyên thủng giáp mặt trước xe tăng T-62 ở khoảng cách hơn 4km.
Mỹ trừng phạt ‘thung lũng silicon’ Nga
Bộ Ngoại giao Mỹ đêm 2/8 đã công bố một loạt đòn trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực tài chính và công nghệ của Nga, nhất là công nghệ bán dẫn liên quan tới quân sự. Trong số những thực thể bị áp lệnh trừng phạt mới có khu công nghệ Skolkovo thuộc vùng ngoại ô Moscow, nơi được coi là ‘thung lũng silicon’ của Nga.
“Khu công nghệ Skolkovo có mối quan hệ gần gũi với lĩnh vực quốc phòng Nga. Những nhà tài trợ cho khu Skolkovo bao gồm nhiều công ty phát triển vũ khí Nga đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ vì có dính líu tới cuộc xung đột ở Ukraine như công ty cổ phần Tên lửa Chiến thuật (KTRV), Tập đoàn sản xuất xe tăng Uralvagonzavod, Tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất (UAC)...”, thông cáo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
“Đồng thời, Viện Vật lý và Công nghệ Moscow (MIPT) cũng bị áp lệnh trừng phạt vì đã hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, khi phát triển nhiều loại máy bay không người lái (UAV) cho quân đội Nga”, thông cáo viết thêm.