Chưa lúc nào cụm từ dám nghĩ, dám làm tránh cầu an, co cụm được nhắc đến nhiều như thời gian qua.
Sau nhiều cuộc họp, nhiều ý kiến, nhiều con số thuyết phục… ngày 19/4 Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện gửi các bộ, ngành địa phương trong đó có yêu cầu rà soát thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu kém, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, không đáp ứng yêu cầu công việc.
Thời nào và ở đâu chuyện thay thế người không dám nghĩ dám làm cũng luôn được nhân dân kỳ vọng. Bởi suy cho cùng, “mọi sự thành bại đều là do cán bộ mà ra”.
Cuộc sống luôn cần những lãnh đạo dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Dám nghĩ, dám làm không chỉ là hô hào quyết tâm mà phải bằng hiệu quả thực tế. Khi biết mình làm sai, dám chịu trách nhiệm và xin từ chức đó cũng chính là phẩm chất của người cán bộ có bản lĩnh.
Chuyện về người dám chịu trách nhiệm cá nhân nếu như đường dây 500 KV không hiệu quả đến nay vẫn truyền cảm hứng cho đông đảo người dân.
Để cán bộ vượt qua tâm lý cầu an, co cụm, việc tiên quyết là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm thì người khác mới dám nghĩ, dám làm.
Vừa qua, Đảng đã có những quy định mở đường cho những người không hoàn thành nhiệm vụ tự nguyện xin thôi chức, hoặc cấp trên căn cứ vào đó để cách chức. Đó là một bước tiến mới vì từ lâu vẫn chưa có một quy định cụ thể, rõ ràng để xử lý người không hoàn thành nhiệm vụ.
Việc sợ sai, không dám nghĩ, dám làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển, đến đời sống xã hội thời gian qua. TP.HCM là đầu tàu cả nước, chiếm đến ¼ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên trong quý 1 vừa qua, kinh tế của thành phố mới chỉ tăng 0,7 %. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng đó có phần nằm ở cán bộ lãnh đạo. “TP.HCM đang khắc phục và phải khắc phục. Ai tránh né, ai trì trệ, ai sợ sệt, ai sợ trách nhiệm, ai sai phạm… thì phải báo cáo, thay cán bộ đó, thậm chí cả người đứng đầu”- Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.
Rõ ràng, sợ sai đang là một căn bệnh ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị. Nếu để căn bệnh này thành phổ biến thì không những trói buộc tư duy đột phá, sáng tạo mà còn tạo ra những cản trở cho sự phát triển với những yêu cầu ngày càng cao.
Rất đáng lo ngại nếu tâm lý co cụm, cầu an lấn át sự tự tin, quyết đoán vốn là những tố chất của người lãnh đạo.
Một xã hội phát triển phải biết khơi thông dòng chảy. Gạt bỏ những cán bộ yếu kém, trì trệ cũng là một cách khơi thông để có những bước phát triển mới. Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương trong đó yêu cầu rõ ràng là kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao là mệnh lệnh cần phải được nhanh chóng thi hành.