Bệnh nhi là bé T.Đ.D, được đưa vào khoa Tai mũi họng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Bác sĩ làm sạch máu, phát hiện màng nhĩ bị thủng, nghi ngờ tổn thương hệ thống xương con dẫn truyền âm thanh ở trong tai giữa, sức nghe giảm 50%.
Nhiều người quan niệm, ráy tai là chất bẩn, để lâu sẽ khiến thính lực bị suy giảm, vì vậy thường ngoáy tai cho sạch. Tuy nhiên, đây là một thói quen không tốt, trái với tự nhiên. Thậm chí, ngoáy tai còn dẫn đến khả năng viêm nhiễm rất lớn, đặc biệt là ở trẻ em, khi cấu trúc da, niêm mạc, màng nhĩ của tai trẻ còn mỏng, chưa trưởng thành.
Không ít phụ huynh có thói quen lấy ráy tai tại nhà, em bé trong nhà nhìn thấy sẽ làm theo khi có được dụng cụ và vô tình sẽ xảy ra những tai nạn không mong muốn.
Các bác sĩ khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cho hay ở những người khác nhau, ráy tai có thể có cấu tạo, hình dạng và màu sắc khác nhau. Trong ráy tai có chứa những chất tiết của tuyến bã, tế bào da của ống tai đã chết, vi khuẩn và có thể có nước. Lượng ráy tai ở mức bình thường sẽ có tác dụng như một lớp áo bảo vệ ống tai và chống ngấm nước. Nếu không có ráy tai thì sẽ trở nên khô, ngứa và dễ bị nhiễm trùng.
Trong hầu hết trường hợp, cơ thể sẽ tự làm sạch ráy tai. Quá trình này diễn ra bằng hiện tượng đầy dần những lớp tế bào da lót ống tai từ vị trí bên trong sát với màng nhĩ ra phía ngoài của ống tai. Với sự dịch chuyển của lớp tế bào như vậy thì ráy tai sẽ dần khô đi, bong ra và rơi ra ngoài. Do đó không cần dùng đến các công cụ hỗ trợ để lấy ráy tai ra ngoài.
Tuy nhiên, có những trường hợp ráy tai bị tích tụ quá nhiều dẫn đến làm hẹp ống tai. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do các bệnh lý về da, bệnh lý của tuyến bã hoặc xương tai. Cũng có trường hợp ráy tai nhiều là do phản ứng đối với tình tạng chấn thương hoặc tắc nghẽn của ống tai. Khi xuất hiện các trường hợp này, cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị tốt nhất.