LỜI TOÀ SOẠN Ngày 13/10/2024 là kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam. 20 năm qua là quãng thời gian đủ để khu vực doanh nghiệp tư nhân vươn mình trỗi dậy thành một thanh niên trẻ, tràn đầy khát khao và năng lượng để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự hưng thịnh của quốc gia. Từ chỗ bị kỳ thị coi là giai cấp bóc lột trong quá khứ, giới doanh nhân đã chính thức có được một ngày để tôn vinh như nhiều ngành nghề khác. Đa số doanh nhân hiện nay đều xuất phát với hai bàn tay trắng lúc khởi nghiệp và giờ đây, họ trở thành những ông bà chủ, tạo ra của cải cho xã hội, tạo ra nhiều việc làm nhất cho cộng đồng. Tuy nhiên, tinh thần đó đã giảm sút trong những năm gần đây, từ những đợt phong tỏa do dịch Covid-19, từ tình trạng “sợ sai, sợ trách nhiệm” của bộ máy. Tinh thần kinh doanh cần phải được xốc lại, khát khao làm giàu cần phải được lan tỏa, sự sợ hãi cần được chấm dứt. Hơn hết, sau các thập kỷ qua, giới doanh nhân Việt Nam luôn thể hiện sự thích nghi, linh động và sức chống chịu bền bỉ để trở thành lực lượng quan trọng trong nền kinh tế. Họ chắc chắn là trụ cột trong tiến trình thực hiện mục tiêu thịnh vượng vào năm 2045 của đất nước. Nhân ngày 13/10, VietNamNet đăng tải tuyến bài để cổ vũ tinh thần kinh doanh và chia sẻ với doanh nhân những khó khăn, rào cản hiện tại để hướng đến “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” nhanh và bền vững. >>Bài 1: Nghịch lí của doanh nghiệp >>Bài 2: Kích hoạt chính sách hình thành doanh nghiệp tỷ USD >>Bài 3: ‘Việt Nam ước tính có 20 tỷ phú’ |
Tuần Việt Nam giới thiệu phần cuối cuộc trò chuyện với ông Trần Sĩ Chương, chuyên gia kinh tế có gần 3 thập kỷ gắn bó với khu vực doanh nghiệp tư nhân về tinh thần kinh doanh ở Việt Nam.
Ông biết đấy, Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược với các cường quốc, đã hội nhập rất sâu rộng, và đang ở “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Cơ hội cho phát triển rất nhiều, trong tiến trình này vai trò của doanh nhân ở đâu?
Ông Trần Sĩ Chương: Chưa bao giờ Việt Nam có vị thế tốt như bây giờ. Vấn đề còn lại là tận dụng như thế nào. Vận hội, cơ hội nào cũng vậy, cũng chỉ mở một thời gian rồi đóng, rồi lại trôi qua. Tôi cho rằng, hiện nay Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội và phải tận dụng triệt để trong vòng 3 năm tới vì nếu không thì cơ hội sẽ dần trôi qua.
Liệu chúng ta có thể cùng nhau quyết tâm xây dựng nội lực để nắm bắt được những cơ hội lịch sử có thể không có lần thứ 2 này hay không? Làm sao để doanh nghiệp trong nước tự tin xây dựng được một văn hóa chuẩn quốc tế, để “được tin” thì đó sẽ là “vốn xã hội” từ đó tạo được nội lực vô biên cho đất nước cất cánh. Việt Nam sẽ được nhắc đến như một quốc gia phát triển ổn định.
Khi đó hy vọng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh mới được hiện thực hóa.
Tinh thần kinh doanh, niềm tin xã hội là cực kỳ cần thiết lúc này, thưa ông?
Ông Trần Sĩ Chương: Singapore những ngày đầu lập quốc vào năm 1965 đã từng rất lộn xộn, chia rẽ vì có nhiều dân tộc, tôn giáo khác nhau, nhưng nhờ người lãnh đạo như ông Lý Quang Diệu mà được như ngày nay.
Thời Lý Quang Diệu lập quốc ở Singapore năm 1965, ông ấy nói đại ý, các doanh nhân là xương sống quốc gia, đất nước chỉ cần các bạn một chuyện đó là “Nói là làm”. Chính câu nói này đã giúp họ xây dựng văn hóa quốc gia và quản lý đất nước, tạo ra nếp sống, lòng tin, tạo ra vốn xã hội lớn. Câu nói đó cũng đã định hình tư duy của người Singapore ở khu vực công và tư. Doanh nhân Singapore đi đâu cũng được tin và đã đóng góp rất nhiều vào quá trình xây dựng đất nước.
Tuy nhiên, năng lượng và nguồn vốn xã hội đó ở Việt Nam lại thấp. Doanh nhân trong nước làm ăn với nhau còn khó tin nhau, chưa xây dựng một hệ thống quản trị kỷ cương, đáng tin tưởng.
Vì thế, cần sự thành tâm của người chủ doanh nghiệp với đối tác, nhân viên, với cộng đồng xung quanh. Mà ai cũng vậy thì mới có được lòng tin của xã hội trong nước.
Ông có lập luận rằng lẽ ra, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể còn phát triển nhiều hơn nữa. Ông có thể giải thích?
Ông Trần Sĩ Chương: Ai cũng chịu sự ảnh hưởng của hệ sinh thái. “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” hay như người ta từng nói, thể chế nào, doanh nghiệp đó. Trong hệ sinh thái chung, việc của Nhà nước là đảm bảo cho doanh nghiệp tính tiên liệu. Ví dụ, doanh nghiệp muốn xin giấy phép bao nhiêu ngày phải xong, rất rõ ràng. Các doanh nghiệp tư nhân không dám mạnh dạn đầu tư, không dám cam kết làm ăn với đối tác theo năng lực có thể có của họ vì do hệ sinh thái.
Khi tôi làm báo cáo cho Ngân hàng Thế giới gần 30 năm trước, chúng tôi có nêu ra những khó khăn, trở ngại trong việc phát triển doanh nghiệp tư nhân. Vậy mà đến nay, 70% khó khăn từng nêu ra hồi đó vẫn còn tồn tại, theo VCCI.
Vì sao sau bao nhiêu năm vẫn chưa làm được việc này? Vì hệ thống hành chính vẫn còn chồng chéo, phức tạp, sợ không dám làm. TPHCM, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, phải gửi tới hơn 600 văn bản hỏi các bộ, ngành trung ương về việc áp dụng các quy định, thì thử nghĩ doanh nghiệp trong nước làm ăn như thế nào?
Lãi suất cao trường kỳ là vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp trong nhiều năm nay. Ông nghĩ có cách nào giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua rào cản này?
Ông Trần Sĩ Chương: Hiện nay, kinh tế toàn cầu chậm lại, xuất khẩu khó khăn, thị trường thu hẹp nên doanh nghiệp không làm ra lợi nhuận, không dám vay ngân hàng. Lợi nhuận được 15% là giỏi lắm rồi, mà lãi suất cao thì bào mòn hết.
Doanh nghiệp Việt Nam nên làm ăn, hợp tác với các doanh nghiệp FDI để có thêm cơ hội tiếp cận vốn với lãi suất rẻ hơn. Ví dụ, làm ăn với doanh nghiệp Nhật Bản có thể vay được với lãi suất 3-4%. Đây là cách tiếp cận tốt bên cạnh các mối lợi khác như tăng cường năng lực quản trị, tiếp cận công nghệ…
Ngoài ra, khi có dự án tốt, khả thi, có cách quản trị tốt thì doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn, lãi suất cạnh tranh từ nhiều tổ chức quốc tế như IFC.
GDP bình quân đầu người của nước ta đã đạt khoảng 4.300 đô la sau gần 40 năm Đổi Mới. Trong khoảng thời gian đó, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã vươn lên hàng đầu với GDP cao...
Nếu chúng ta có tăng trưởng trên 10% thì chúng ta sẽ vượt lên thôi. Singapore lập quốc năm 1965, tới 1985 họ đã vượt lên. Nhật Bản kể từ năm 1945 sau Thế chiến Hai đến năm 1960 đã phát triển vượt bậc. Hàn Quốc đến đầu những năm 1980 cũng đã vượt lên. Tất cả các nước đều bứt phá từ tro tàn chiến tranh.
Chúng ta có vượt lên trên được không? Có vượt qua được bẫy thu nhập trung bình không? Điều tôi lo là dân số đang già đi.
Để cất cánh, máy bay phải tăng tốc ở giai đoạn lấy đà. Nếu không đủ đà thì không cất cánh được, là xuống hố.
Các chuyên gia tính toán rằng, GDP Việt Nam kể từ những năm đầu 1990 cứ giảm 1 điểm phần trăm sau mỗi thập kỷ. Đây là điều đáng phải suy nghĩ?
Chúng tôi từng có nghiên cứu là một quốc gia phải tăng trưởng 10% trong 10 năm đầu thì mới cất cánh được.
Nhìn 5 nước con rồng ở châu Á, kể cả Trung Quốc, họ tăng trưởng trên 10% trong 10-15 năm đầu. Kinh tế cất cánh cũng như máy bay, không thể chạy tà tà rồi mới cất cánh. Máy bay phải có gia tốc để trong vòng 1 cây số là cất cánh, nếu không được thì xuống hố. Với một nền kinh tế, hố là bẫy thu nhập trung bình.
Chúng ta đã cố gắng hết sức, cũng phát triển được 8-9% hồi đầu. Cho nên, tàu bay đang cất cánh và đã bị khựng lại từ đó mất gia tốc, không cất cánh được.
Vậy Việt Nam nên làm gì, thưa ông?
Cần phải hỏi, điều gì níu kéo làm cho chúng ta không phát triển với tốc độ cao? Chúng ta có thể lực hay không?
Do vậy, mình phải làm bài toán ngược vì không phải ai cũng thành vận động viên Olympic được. Sức mình có hạn phải tính bài khác, là tăng trưởng công bằng. Đâu cần GDP đầu người phải tới 40 ngàn đô mà môi trường xuống cấp, xã hội mất lòng tin. Chúng ta có 10 ngàn đô/người/năm nhưng phát triển công bằng, vẫn đảm bảo y tế, giáo dục, môi trường tốt thì có hơn không? Điều này là quan trọng.
Nói kinh tế thị trường thì hãy để nguồn lực phát triển tự nhiên, đến chỗ nào và cho ai một cách hiệu quả nhất. Nếu có sự can thiệp hành chính gượng ép nào đó thì hệ thống chạy không hiệu quả, nguồn lực bị lãng phí.
Ông Trần Sĩ Chương hiện là chuyên gia cố vấn chiến lược phát triển và quản trị doanh nghiệp, Sr. Partner Công ty tư vấn chiến lược 3 Horizons (Anh Quốc). Ông từng là chuyên viên cố vấn kinh tế và ngân hàng cho Ủy ban Ngân hàng, Quốc hội Mỹ. Từ năm 1995 đến nay, ông thường xuyên làm việc tại Việt Nam và một số nước trong khu vực, tư vấn các định chế tài chính quốc tế và các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô, quản trị và chiến lược phát triển doanh nghiệp. |