Năm 2020, khi Covid-19 làm đảo lộn mọi thứ, nhiều người mới nghĩ đến chuyện kinh doanh online thì Hoàng Sương đã bắt đầu công việc này từ năm 2015.
Khởi nghiệp sớm
Khi đó Hoàng Sương chỉ mới tốt nghiệp đại học và bắt đầu ngay công việc kinh doanh với số vốn ban đầu chỉ 20 triệu đồng, sau đó vay mượn thêm được 100 triệu đồng. Ngành nghề chính là bán nông sản Đà Lạt.
"Nhiều người nói 23 tuổi là quá trẻ nhưng bản thân tôi thấy điều đó là bình thường vì mình đã đi làm thuê từ thời sinh viên. Khi làm việc nhiều hơn người khác thì thời gian để đạt được những cộc mốc trong cuộc đời sẽ ngắn hơn. Đến năm 2017, tôi thành lập doanh nghiệp với tên gọi Công ty CP Dalat Foodie Việt Nam (thương hiệu Dalat Foodie) có trụ sở và cửa hàng tại quận Gò Vấp (TP HCM)" - Hoàng Sương kể.
Cuối năm 2019, Dalat Foodie trở nên nổi tiếng khi Hoàng Sương một tay bế con nhỏ, một tay dắt con lớn tham gia Chương trình "Shark Tank Việt Nam" mùa 3 và gọi được vốn thành công từ Shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Intracom Group, với 5 tỉ đồng cho 20% cổ phần, tức công ty được định giá 25 tỉ đồng. Đến tháng 6-2020, sau quá trình thẩm định và thương thảo, hợp đồng kết đầu tư Intracom – Dalat Foodie chính thức được ký kết và Dalat Foodie mở cửa hàng thứ 2 tại Hà Nội vào tháng 11-2020.
Dalat Foodie bán hàng online từ sớm, hiện chiếm 80% số lượng đơn hàng. Trong ảnh, nhân viên giao hàng đến cửa hàng nhận hàng giao cho khách |
"Đến tháng 10-2020, Dalat Foodie chỉ có duy nhất một cửa hàng chuyên bán thực phẩm hữu cơ nguồn gốc thực vật, tức chỉ có rau củ quả tươi và chế biến cùng các loại hạt, hầu hết là hàng Việt Nam, chỉ có vài mặt hàng nhập khẩu. Cửa hàng có hơn 25.000 khách hàng, 80% là phụ nữ mang thai và mẹ bỉm sữa, mỗi ngày bán khoảng 100 - 200 đơn hàng, doanh thu trung bình 2.000 USD/ngày với 80% đơn hàng là khách mua online" – Hoàng Sương chia sẻ.
Hoàng Sương đưa hai con tham dự tham gia Chương trình "Shark Tank Việt Nam" mùa 3 - 2019 (Ảnh chụp màn hình) |
Tính từng đồng
"Có rất nhiều người khởi nghiệp bằng một cửa hàng bán rau sạch, rất nhiều người đã phải đóng cửa không lâu sau đó, vậy bí quyết nào để Dalat Foodie có thể tồn tại và phát triển như ngày nay?" - chúng tôi hỏi Hoàng Sương.
Hoàng Sương trả lời thẳng: "Khi kinh doanh phải tính toán kỹ từng đồng bỏ ra. Cùng giá vốn mua vào, cùng giá bán ra nhưng có nơi lời, nơi lỗ. Đó là do cách quản trị, làm sao tối ưu hóa chi phí để đạt hiệu quả. Dalat Foodie tuy cửa hàng ở Gò Vấp nhưng có thể giao hàng khắp nơi ở TP HCM, bao gồm cả huyện Nhà Bè hay Củ Chi với chi phí giao không quá 25.000 đồng/đơn hàng. Muốn có phí giao hàng thấp cần có nhiều đơn hàng, mỗi ngày hơn 100 đơn hàng thì sẽ có giá thấp. Và muốn có nhiều đơn hàng phải bắt đầu từ chất lượng và cần thời gian để tạo uy tín với khách hàng và đối tác trước khi đạt đến sự tối ưu hóa".
Bà chủ Dalat Foodie ở cửa hàng duy nhất tại TP HCM |
Về chất lượng sản phẩm, Hoàng Sương cho biết: "Dalat Foodie bảo hành trên từng cọng rau. Vì bất cứ lý do gì, nếu khách nhận hàng hoặc ăn thử không hài lòng có thể đổi lại. Nhiều người sợ chính sách này có thể tỉ lệ hàng đổi trả cao nhưng thực tế tỉ lệ này chỉ khoảng 2%, bao gồm cả các đơn hàng khách không nhận do không liên lạc được. Ai cũng có tính thiện, mình làm tốt thì khách hàng nào nỡ lợi dụng".
Theo Hoàng Sương, năm 2020 bán hàng online bùng nổ, chi phí quảng cáo online tăng liên tục. "Trước đây, chi phí để có một khách hàng mới chỉ khoảng 36.000 đồng thì nay vượt mức 200.000 đồng, nếu bán rau online mà chạy quảng cáo coi như cầm chắc lỗ. Vậy nên, ngành này quan trọng nhất là nhóm khách hàng trung thành nên phải chăm sóc họ thật tốt để duy trì doanh thu.
Với mong muốn phát triển nông nghiệp Việt Nam, Hoàng Sương chỉ bán vài mã hàng từ nguồn nước ngoài |
Muốn làm điều này cần có dữ liệu khách hàng để hiểu được thói quen mua sắm của họ mới có thể phục vụ tốt nhất. Khi phân tích dữ liệu khách hàng còn có thể dự báo được sản lượng tương lai để đặt hàng sản xuất. Hiện 85% khách hàng của Dalat Foodie là khách quen, trong đó 30% là khách thành viên (trả tiền trước để mua sắm tiết kiệm hơn- PV), chỉ 15% là khách mới" – bà chủ Dalat Foodie chia sẻ.
Để được như ngày hôm nay, Hoàng Sương không giấu thông tin nhà cung cấp mà chọn minh bạch với lý do những kỹ sư, nông dân sản xuất nông sản hữu cơ xứng đáng được tôn vinh. Đó cũng là cách giúp Dalat Foodie được khách hàng tin tưởng.
(Theo Người Lao Động)