“Bác sĩ cứ tiêm cho con nhà em, làm sao cho nó cao thêm được càng nhiều càng tốt, trăm triệu em cũng chịu”. Chị Trang vừa nói với bác sĩ vừa nhìn vào cậu con trai năm nay lên lớp 5, theo chị là lúc nào cũng phải đứng top đầu khi xếp hàng.
LỜI TÒA SOẠN
Giúp con phát triển tối đa chiều cao là nhu cầu chính đáng của nhiều gia đình. Tuy nhiên, vì nỗi ám ảnh, lo lắng con lùn, không ít phụ huynh sẵn sàng chi, hoặc đã chi hàng chục, hàng trăm triệu đồng để tìm mọi cách kéo dài chiều cao của con, đi ngược với quá trình phát triển tự nhiên của trẻ.
Đánh trúng mong muốn đó, hàng loạt sản phẩm giới thiệu là thuốc tăng chiều cao chứa hormone tăng trưởng ra đời, với những lời quảng cáo "có cánh". Sự thật về những sản phẩm được cho là "thuốc" này ra sao? Có nên tin và dùng? Bác sĩ nói gì về những sai lầm trong cách nuôi trẻ mà các gia đình Việt gặp phải khiến trẻ thấp còi?
VietNamNet xin đăng tải tuyến bài "Sự thật thuốc tăng chiều cao cho trẻ" để đưa thông tin chính xác từ các chuyên gia đến với cha mẹ.
Ám ảnh cảm giác con thấp
Chị Trang và chồng sở hữu chiều cao trung bình so với thế hệ của mình: Vợ 1m55, chồng 1m65. Họ rất lo lắng cho thế hệ thứ 2.
“Đường gene” theo chị là kém, nên người mẹ này ra sức tẩm bổ cho các con bằng đường ăn uống. Dù đã uống rất nhiều loại canxi, tảo xoắn, vitamin 3B, sữa… ngốn cả tháng lương mỗi đợt, nhưng con gái lớn của anh chị đã vào cấp 3, chỉ cao 1,57m. Điều đó khiến người mẹ này càng sốt ruột. “Thời buổi bây giờ, con gái cứ phải mét bảy, con trai mét tám mới là bình thường”, chị nói.
Con trai chị Trang tên Minh, 10 tuổi, cao 1,37m, nặng 35kg. Mỗi lần giỗ chạp ở quê nội, chị càng sốt ruột khi con trai là cháu đích tôn nhưng hay bị so sánh "thấp hơn em họ này, còi hơn anh họ kia", trách mẹ không biết nuôi con.
Nghe tin có trường hợp cao thêm tới gần 30cm chỉ sau 2 năm tiêm hormone tăng trưởng, chị cho rằng con trai mình phải can thiệp y tế mới cứu vãn được chiều cao, nên đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
“Con em đúng là bị lùn phải không? Bác sĩ có cách nào, thuốc nào 'nặng đô' giúp cháu cao lớn hơn không”, chị nói với Tiến sĩ Bùi Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Nội tiết, Chuyển hóa, Di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Chiều cao trung bình của trẻ em cùng độ tuổi với bé Minh là 137,8cm, theo bảng chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Cùng độ tuổi, giới tính, chủng tộc, nếu trẻ trai chỉ cao 125cm (lệch -2SD) được coi là thấp. Bé Minh cao 137cm, nghĩa là vẫn trong khoảng bình thường.
“Lớp con còn nhiều bạn đứng trước con khi xếp hàng chào cờ”, bé Minh nói với bác sĩ.
Mọi kiểm tra, xét nghiệm khác đều cho thấy sức khỏe đều bình thường, chưa đến mức phải can thiệp y tế. Nghĩa là việc kết luận “con lùn” hoàn toàn do cảm nhận và nỗi ám ảnh thái quá của cha mẹ.
"Chúng tôi nhận được không ít yêu cầu về việc tiêm hormone tăng trưởng (GH) cho con từ các bậc phụ huynh trong vài năm gần đây", bác sĩ Thảo cho biết.
Thực tế, càng những gia đình có cả cha mẹ hoặc một trong hai người không cao sẽ càng lo lắng cho các con. Họ cũng sợ rằng đứa trẻ sẽ khó tìm việc trong tương lai, khó có vị trí xã hội, thậm chí khó tìm bạn đời như ý, nếu quá thấp. Một số khác sợ con thấp bé sẽ bị các bạn bắt nạt, nên cũng tìm mọi cách để tăng chiều cao cho con.
Chi phí đắt đỏ nhưng chấp nhận mọi giá
Theo Sở Y tế Hà Nội, chiều cao trung bình của thanh niên 17 tuổi ở thành phố đạt mức 168,8cm với nam và 157,4cm với nữ, kết quả năm 2021. So với 5 năm trước đó, con số này lần lượt tăng 2,2cm (với nam) và 0,2cm (với nữ).
Còn theo Bộ Y tế, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng đáng kể trong 10 năm qua. Chiều cao trung bình của một cô gái Việt 18 tuổi tăng 2,6cm, từ năm 2010-2020, hiện ở mức 156,2 cm. Với nam giới, con số đó là 3,7 cm, hiện đạt 168,1 cm.
Kết quả này đưa Việt Nam xếp thứ 4 trong "bảng tổng sắp" chiều cao trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, đánh giá, Việt Nam đã "thoát lùn", mức tăng chiều cao của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn 1990-2020 tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao hằng năm trong giai đoạn 1955-1995.
"Chiều cao người Việt sinh từ năm 2000 trở lại đây tốt hơn giai đoạn trước, tốc độ cao nhanh gần gấp đôi thập niên trước", ông cho biết. Nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng này, dự đoán đến năm 2030, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam sẽ xấp xỉ 1m72, nữ giới gần chạm mốc 1m59.
Tại Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng thuộc Viện Dinh dưỡng Quốc gia hay tại Trung tâm thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương nơi bác sĩ Thảo làm việc, ngay từ cuối tháng 5, đầu tháng 6, thời điểm học sinh được nghỉ hè, lượng bệnh nhân tới khám tăng, cao điểm có ngày tăng 40% so với trung bình mỗi ngày các tháng trước đó.
8/10 cha mẹ đưa con đến khám đều phàn nàn chuyện "cho uống đủ loại rồi mà sao vẫn thấp vậy". Họ đều có nhu cầu "làm sao để tăng chiều cao cho con, tranh thủ đang nghỉ hè", thậm chí có người chấp nhận mọi giá cả.
Theo bác sĩ Thảo, trong các nguyên nhân khiến trẻ chậm cao, thiếu GH chỉ là phần nhỏ. Một trẻ nặng 20kg (tầm 5-6 tuổi) bị thiếu GH, nếu được chỉ định dùng thuốc, với liều 0,03mg/kg cân nặng/ngày, gia đình sẽ tốn khoảng 100 triệu đồng tiền thuốc một năm, chưa kể các chi phí khác. Cân nặng tăng hơn, giá tiền tăng hơn. Nếu đáp ứng chưa tốt, bác sĩ có thể xem xét tăng liều.
Nếu trẻ lùn và có cân nặng 35 kg mà phải dùng GH, gia đình có thể tốn tới gần 200 triệu đồng/năm. Trẻ lùn, không thiếu hormone tăng trưởng, thường liều dùng có thể phải cao hơn.
Dù phân tích rằng bé Minh nằm ngoài danh mục trẻ được chỉ định tiêm GH, nhưng gia đình chị Trang vẫn năn nỉ bác sĩ để cho tiêm, bất chấp việc tiêm sẽ làm mất cân bằng hormone trong cơ thể.
"Việc chỉ định điều trị GH không khó khăn nhưng không đúng chỉ định là sai. Tiêm GH ngày hôm nay có thể làm hài lòng bố mẹ trẻ, nhưng chỉ 1 năm, 5 năm sau, sẽ có người trách bác sĩ", ông nói.
Theo bác sĩ Thảo, một số gia đình đề nghị tiêm GH cho con mà ông từng gặp lại không thực sự cần GH. Nhưng có gia đình (như nhà chị Trang) tin rằng những nguy cơ là xứng đáng đánh đổi, để ngăn chặn những trục trặc, khó khăn sau này chỉ vì chiều cao khiêm tốn.
Không thể tiêm GH cho con tại Bệnh viện Nhi Trung ương do không đúng chỉ định, chị Trang quyết định đưa con trai ra nước ngoài để tiêm, tổng chi phí gấp nhiều lần, với ước mong giải thoát khỏi nỗi ám ảnh vì chiều cao khiêm tốn của "F1".
Thuốc tăng chiều cao cho trẻ: Đâu là sự thật?
Không đủ điều kiện cho con ra nước ngoài để tiêm hormone tăng trưởng, nhiều gia đình lựa chọn cách khác đó làm mua các loại thuốc được cho rằng "hàng xách tay" để cải thiện chiều cao cho trẻ.