Cưới nhau được 5 năm, tôi liên tục chịu áp lực từ nhà chồng đặc biệt là mẹ chồng. Khi còn ở chung, mỗi ngày đi làm về, mẹ đều dội vào đầu tôi những câu nói ác ý: “Định cho nhà này tuyệt tự tuyệt tông à mà còn chưa bầu bí?”, “không đẻ được thì tha cho con trai nhà người ta đi”.
Nhiều năm tôi chưa nhận được ánh mắt thiện cảm của mẹ chồng chỉ vì chuyện “vợ chồng con đang kế hoạch”. Hồi mới cưới, tôi nói với chồng sau 2 năm mới sinh con vì muốn công việc ổn định, kinh tế vững vàng. Hai vợ chồng tính mua một căn hộ chung cư nhỏ thì dọn ra ngoài sống cho thoải mái. Sau hơn 2 năm, dự định đó mới thành. Dù là ở riêng nhưng cũng không xa nhà nội là bao, tuần nào chúng tôi cũng đưa nhau về, hoặc có việc mẹ chồng gọi là chúng tôi lại có mặt.
Sau khi mọi thứ ổn định, tôi bàn với chồng chuyện sinh con. Hai vợ chồng “thả cửa” hơn 1 năm nhưng không có gì khiến tôi bắt đầu lo lắng. Tôi tìm cách tẩm bổ cho chồng mọi thứ nhưng vẫn không có kết quả. Hai đứa đưa nhau tới viện khám, bác sĩ nói nguyên nhân là ở chồng tôi. Anh ấy yếu, rất khó sinh con dù cơ thể của người vợ tốt, mọi thứ thuận lợi để mang bầu.
Là con một trong nhà nên chồng rất sợ. Bố mẹ anh bao lâu nay kì vọng vào cháu đích tôn. Anh nói tôi “gánh” giúp anh chuyện này, đừng nói ra vì sợ ông bà buồn. Nếu bố mẹ có hỏi chuyện vì sao mãi chưa sinh con thì cứ nói đang kế hoạch, cùng lắm thì tôi tự nhận trách nhiệm về mình.
Cảm thấy cũng không hợp lý lắm nhưng vì thương chồng, vì sĩ diện của anh, tôi đồng ý. Nên suốt nhiều năm qua, mẹ chồng giáng lên đầu tôi những lời cay nghiệt, tôi cũng vẫn phải cố nhịn. Điều khiến tôi buồn là lần nào mẹ nói chuyện đó, chồng cũng tìm cách bỏ ra ngoài, trốn tránh, mặc cho vợ bị sỉ nhục.
Thời gian gần đây, mẹ còn liên tục gọi điện thoại giục bầu bí, nói gắt gao. Ai đến chơi mẹ cũng mang chuyện con dâu không sinh được con ra để chì chiết. Mẹ không những không động viên vợ chồng tôi cố gắng mà còn dọa đưa cô này cô nọ về mai mối cho chồng. Lần nào về nhà chơi, chưa đến cửa cũng nghe mẹ ra rả chuyện cháu chắt. Không chỉ mong có cháu, bà còn mong phải là cháu trai để nối dõi tông đường.
Trước đó chồng nói tôi chỉ giúp chồng thời gian đầu nhưng bây giờ, anh mặc nhiên lỗi lầm là do tôi. Tôi nói với anh phải họp gia đình, làm rõ ràng mọi chuyện, đừng để cả nhà anh đổ tội lên đầu tôi nhưng anh vẫn cứ trốn tránh.
Hôm rồi nhân nhà có giỗ, mẹ chồng tự nhiên tuyên bố hùng hổ trước bữa ăn rất đông họ hàng: “Năm nay cô không sinh cháu cho nhà này, tôi sẽ cưới vợ mới cho con trai”. Tôi cố ý đánh mắt sang chồng nhưng anh lại cúi xuống, đẩy trách nhiệm cho vợ. Tức quá, tôi vội vào chạy vào nhà lôi ra tờ giấy khám sinh sản của chồng mà lúc nào tôi cũng mang theo bên mình để nhắc nhở bản thân, đưa cho mẹ chồng.
Vừa mở tờ giấy ra, mẹ tím tái mặt mày, nhìn tất cả mọi người ái ngại. Ai cũng hỏi có chuyện gì thì mẹ cứng họng đi vào nhà. Tối đó, chồng gọi tôi vào nói chuyện riêng, chửi bới vợ, còn giơ tay đòi tát khi tôi cãi lời. Nhìn bộ dạng của anh lúc đó tôi mới thấy bao năm nay mình lấy một gã hèn. Một người đàn ông lúc nào cũng nói đạo lý nhưng lại không biết gánh trách nhiệm, vì sĩ diện mà đổ mọi tội lên đầu vợ, chưa từng bảo vệ vợ.
5 năm hôn nhân đối với tôi chưa bao giờ mệt mỏi như lúc này. Sau tất cả, tôi chỉ muốn kí vào tờ đơn ly hôn, chấm dứt quãng thời gian làm vợ anh. Tôi đã hi sinh cho anh nhiều như vậy nhưng một lời cảm ơn cũng không có. Nếu lấy người khác, có thể giờ đây tôi đã làm mẹ của mấy đứa con lớn. Nhưng anh đâu có hiểu được sự hi sinh mà vợ dành cho mình.
Lúc nào anh cũng cho rằng việc anh kiếm được nhiều tiền, về đưa cho vợ đều đặn, không cờ bạc rượu chè là ưu tú và tôi đương nhiên phải phục tùng anh. Tôi cũng vì yêu anh mà chấp nhận chứ đâu phải vì địa vị tiền bạc. Bao năm qua, nếu không có tôi luôn bảo vệ anh thì liệu rằng anh có được sự nghiệp như ngày hôm nay? Nhưng tất cả những điều ấy, anh đều không nhớ.
Giờ đây, khi mẹ anh biết chuyện con trai mình khó có con lại quay ra trách móc tôi không nói với bà sớm để bà tìm cách chạy chữa. Cuối cùng thì mọi lỗi lầm vẫn là do tôi. Liệu rằng nếu cứ sống thế này, tôi có được tôn trọng ở nhà anh?
Độc giả Ng.