Năm nay, do dịch bệnh, chị Phạm Hòa (34 tuổi), tại Hà Nội có nhiều thời gian rảnh nên làm mâm cúng Rằm tháng 7 sớm vào ngày 18/8 (tức ngày 11 âm lịch).
Để đảm bảo phòng dịch, chị Hòa không mua hàng ngoài khu chung cư mà chỉ đặt mua online trên các hội, nhóm bán hàng của khu dân cư. Hoặc nếu đi chợ thì sẽ phải có phiếu, đi đúng ngày, giờ quy định trên phiếu.
Chị Hòa cho biết, trên nhóm bán hàng, người bán đăng chi tiết hình ảnh, kèm giá để mình có thể lựa chọn. Để thuận tiện cho việc bán hàng online, người bán sẽ được ban quản lý và chính quyền cấp cho một thẻ gọi là "thẻ bán hàng" để có thể ship hàng đến các sảnh tòa nhà (chỉ có giá trị trong khu chung cư).
Sau khi nhận đơn, người bán sẽ ship hàng mình đặt đến sảnh tòa nhà, giao hàng tại bàn trực vùng xanh tại sảnh và liên hệ người mua xuống. Hàng hóa được bọc nhiều lớp túi để thuận tiện cho việc phun khử khuẩn bên ngoài, sau khi phun khử khuẩn mình mới được nhận hàng.
Mâm cỗ chay 9 món chị Hòa chế biến từ những nguyên liệu mua trên "chợ online". |
"Mọi năm vào ngày này, gia đình tôi tổ chức thịnh soạn hơn trước là để thắp hương các cụ sau là con cháu thụ lộc, tụ tập ăn uống vui vẻ. Nhưng năm nay, tránh tụ tập đông người, đảm bảo phòng chống dịch, nên gia đình giản tiện và cũng mong Hà Nội kiểm soát được dịch để cuộc sống trở lại bình thường", chị Hòa chia sẻ.
Mâm lễ chay nhà chị Hòa gồm có 9 món: Bánh bí đỏ nhân đậu xanh cốt dừa, bánh khoai lang vừng đen, nem xù chay, bún xào chay, chả đậu xanh chay, đậu phụ bao bố sốt chay, đậu bắp luộc, canh nấm củ quả hạt sen, xôi đậu xanh.
Tất cả việc nấu nướng đều do chị Hòa đảm nhiệm và hoàn thành trong 3 tiếng. Chị quan niệm, việc cúng bái quan trọng nên luôn phải chuẩn bị thật tươm tất. Nhưng mẹ đảm Hà Nội cũng không quá đặt nặng việc phải mâm cao cỗ đầy, chỉ cần thành tâm là được.
Cách làm một số món chay trong mâm cỗ nhà chị Hòa
-
1. Bánh khoai lang
Nguyên liệu: Khoai lang: 2 củ (500gram), 80 gram bột mỳ, 50 gram đường, 90ml sữa không đường, 2 thìa vừng đen
Cách làm: Khoai lang gọt vỏ, cắt khúc mang hấp chín. Sau khi hấp chín nghiền nát. Trộn đều khoai lang với bột mỳ, sao cho hỗn hợp quyện vào nhau.
Cho sữa, đường vào hỗn hợp và nhào cho đến khi khối bột mịn, dẻo. Chia bột ra nhiều phần nhỏ đều nhau, vê tròn rồi ấn dẹt thêm vừng ở hai mặt bột.
Có thể rán bánh hoặc nướng bằng nồi chiên không dầu ở nhiệt độ 180, trong 10 phút, lật mặt quét chút dầu và nướng ở nhiệt độ 180 trong 5 phút
2. Bánh bí đỏ nhân đậu xanh cốt dừa
Nguyên liệu: Quả bí đỏ khoảng 600 gram, bột nếp, đậu xanh, nước cốt dừa, đường. Rau màu xanh tùy thích để nhào bột làm cuống quả bí.
Cách làm: Đậu xanh hấp chín tán nhuyễn hoặc cho máy xay sinh tố cùng nước cốt dừa và đường. Sau khi xay mịn chia thành từng viên nhỏ để làm nhân bánh.
Rau ngót (hoặc rau màu xanh) xay nhuyễn lọc lấy nước để pha bột làm cuống quả bí.
Bí đỏ gọt vỏ thái miếng vừa rồi cho vào xửng hấp chín, tán nhuyễn. Khi bí đang còn nóng cho bột nếp vào nhào chung với bí đến khi khối bột không còn dính tay là được.
Lấy viên bột vê tròn ấn dẹt và cho nhân vào giữa, gấp các mép bột lại rồi vê tròn. Dùng que nhỏ chia cục bột thành 6 hoặc 8 phần đều nhau theo chiều cong của viên bột và thêm cuống bằng bột màu xanh.
Hấp cách thủy trong 8-10 phút. Nhớ đặt bánh cách xa nhau để bánh không bị dính.
3. Chả đậu xanh
Nguyên liệu: 100 gram đậu xanh, 2 bìa đậu phụ, mộc nhĩ, bột chiên xù, hạt nêm chay.
Cách làm: Đậu xanh hấp chín tán nhuyễn hoặc cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, đậu phụ tán nhuyễn, mộc nhĩ băm nhỏ.
Trộn đều mộc nhĩ, đậu phụ, đậu xanh, 1 thìa cà phê hạt nêm chay đến khi các nguyên liệu quyện đều nhau.
Chia hỗn hợp trên thành từng viên vừa ăn, ấn dẹt và lăn qua bột chiên xù.
Sau đó chiên trong dầu nóng hoặc phết dầu ăn và nướng bằng nồi chiên không dầu ở nhiệt độ 180 trong 5 phút, sau đó lật mặt nướng thêm 5 phút, ở 180 độ C.
4. Đậu phụ bao bố
Nguyên liệu: 3 bìa đậu phụ bìa dài, nước tương chay, hạt nêm chay, đường, nước mắm chay, bột bắp, hành lá (tương ứng với số đậu cần làm).
Cách làm: Chiên đậu ngập dầu (chiên cả bìa), sau đó để nguội. Trần hành qua nước sôi cho dai để dễ buộc.
Dùng tay dồn hết phần ruột đậu xuống dưới, cứ thế làm cho đến hết. Lấy lá hành đã trần buộc miệng bao lại xếp ra đĩa.
Cách làm nước sốt chay: Cho nước tương, 1/2 thìa đường, 1/2 thìa cà phê hạt nêm, 1/2 thìa cà phê nước mắm khuấy đều cho tan hết và đun cho sôi, tiếp đó hòa tan bột bắp với nước lạnh, cho từ từ vào hỗn hợp đang sôi khuấy đều tay đến khi sền sệt.
Dân gian cho rằng, vào dịp Rằm tháng 7 thì mọi tội nhân, trong đó có những vong linh của gia đình, họ hàng của mình đang bị giam cầm nơi địa ngục sẽ được dịp ra khỏi âm phủ để lên dương gian.
Nhân dịp này các gia đình làm lễ dâng hương, cúng các đồ hàng mã cho vong linh người thân của gia đình mình. Việc cúng lễ ngày Rằm tháng 7 không đơn thuần là việc cầu cúng theo mê tín mà thể hiện tấm lòng của người còn sống với người đã khuất.
Theo Dân Trí